Nhiều “rào cản” hạn chế gia tăng tài trợ thương mại

(BKTO) - Theo các chuyên gia, mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam; đồng thời thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của DN. Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều “rào cản” hạn chế gia tăng tài trợ thương mại cho DN.

xk.jpg
Mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa: S.T

Tài trợ thương mại tại Việt Nam còn hạn chế

Tài trợ thương mại là hoạt động cung cấp vốn lưu động cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu để giúp giảm thiểu các rủi ro thanh toán vốn có trong các giao dịch quốc tế. Do đó, việc mở rộng tài trợ thương mại cho các DN được đánh giá là rất quan trọng, nhằm hỗ trợ cho các DN trong nước tăng cường giao thương quốc tế, qua đó giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo Báo cáo “Tài trợ thương mại tại khu vực Mê Kông” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới công bố cho thấy, việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, theo nghiên cứu của IFC và WTO, trong thời gian qua, hoạt động tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam không những chưa phổ biến mà còn có chi phí cao, phân tán và mới chỉ dừng ở việc cung cấp các nghiệp vụ cơ bản. Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước. Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ..., tỷ lệ này lên đến 80%.

Điều đáng chú ý là các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các DN trong nước tham gia các hoạt động thương mại trong khu vực, trong khi đó việc tài trợ thương mại cho các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu rất hạn chế. Theo đó, nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao, có giá trị lớn như điện tử và may mặc ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại, mà trong đó các ngân hàng trong nước đóng vai trò trung gian.

Năm 2022, các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại, chủ yếu của các DN nhỏ và vừa, tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến kết quả tài trợ thương mại trong thời gian qua còn hạn chế. Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, về mặt pháp lý, theo quy định, các phương thức, sản phẩm như chiết khấu, bao thanh toán được quản lý tương tự như khoản vay, khoản cấp tín dụng nên sẽ hạn chế trong cung ứng công cụ về tài trợ thương mại cho các DN. Nếu muốn tiếp cận phương thức tài trợ thương mại thì các DN nhỏ và vừa phải được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng, từ đó mới sử dụng được các sản phẩm của tài trợ thương mại.

Bên cạnh đó, việc chưa minh bạch về báo cáo tài chính của DN nhỏ và vừa dẫn đến các ngân hàng còn e dè trong việc thực hiện tài trợ thương mại do lo ngại rủi ro lớn, đặc biệt là việc cung cấp những phương thức tài trợ thương mại tiên tiến mà các nước khác đang áp dụng.

Về phía các DN, nghiên cứu của IFC và WTO chỉ ra, những yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là hai trong nhiều lý do chính khiến các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng.

Doanh nghiệp cần cải thiện minh bạch về tài chính

Chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường tài trợ thương mại tại Việt Nam” mới diễn ra, bà Nathalie Louat - Giám đốc Toàn cầu về tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng của IFC cho biết, tài trợ thương mại đem lại rất nhiều lợi ích cho DN, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam; đồng thời thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của DN. Do đó, cần mở rộng, tăng cường độ bao phủ tài trợ thương mại cho các DN Việt.

20240222_094638.jpg
Hội thảo "Tăng cường tài trợ thương mại tại Việt Nam" do IFC và WTO phối hợp tổ chức vào ngày 22/02, tại Hà Nội. Ảnh: D.THIỆN

Theo nghiên cứu của IFC và WTO, thương mại theo chuỗi cung ứng chiếm khoảng 2/3 tổng thương mại quốc tế của Việt Nam, nhưng hoạt động tài trợ thương mại cho chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2% tổng vốn tài trợ thương mại được cung cấp trong nước.

Để thực hiện được việc này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực để đáp ứng điều kiện tiếp cận tài trợ thương mại của các các tổ chức tín dụng, thông qua việc nâng cao tính minh bạch về báo cáo tài chính, nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị tài chính.

Về mặt khuôn khổ pháp lý, theo ông Trần Long, hiện nay các quy định pháp luật về tài trợ thương mại vẫn chưa thực sự đầy đủ, do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tài trợ thương mại; trong đó chú trọng vào việc xây dựng các quy định cho phép, khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng cung ứng nhiều hơn các phương thức tài trợ thương mại tiên tiến mà các nước trên thế giới đang áp dụng.

Đặc biệt, theo khuyến nghị của các chuyên gia IFC, Việt Nam cần phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại. Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa...

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của các DN nhỏ và vừa, cũng như các tổ chức tín dụng trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại.

Về phía ngân hàng, ông Long khuyến nghị các tổ chức tín dụng cần mạnh dạn đa dạng hóa, đưa vào cung ứng các sản phẩm tài trợ thương mại tiên tiến mà không cần dựa vào cơ chế cấp tín dụng, không cần phải dựa vào đánh giá tín dụng với DN mà dựa vào các phương thức tiên tiến như đánh giá dòng tiền, tài trợ cho hóa đơn xuất, nhập khẩu…

Đồng thời, các tổ chức tín dụng nên phối hợp với các công ty công nghệ tài chính (Fintech), các hãng bảo hiểm để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện đa kết nối giữa DN, hãng tàu, ngân hàng… để minh bạch hóa hoạt động tài trợ thương mại, rút ngắn thời gian giao dịch…/.

Cùng chuyên mục
Nhiều “rào cản” hạn chế gia tăng tài trợ thương mại