Bắc Kạn tập trung hai đột phá về phát triển kinh tế rừng và du lịch

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi cùng Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh, tại Bắc Kạn.

1.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP ước đạt 5,7%

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội Bắc Kạn tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 5,7% (xếp thứ 34/63 cả nước và 6/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ). Chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành kinh tế tiếp tục theo chiều hướng và định hướng chung.

Nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết và nâng cao chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 5,25%.

Công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 10,8%. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 5,14%. Thương mại phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng đều qua các năm.

Du lịch phục hồi nhanh, 6 tháng đầu năm đón 571.000 lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400 tỷ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Một số dự án giao thông kết nối vùng, phục vụ phát triển du lịch được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, như tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối Na Hang (Tuyên Quang); cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể; xây dựng hạ tầng giao thông quanh hồ Ba Bể để khai thác du lịch, chuẩn bị đầu tư tuyến Quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn.

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả; nhiều chỉ số tăng và được đánh giá cao. Chỉ số PCI năm 2022 đạt 65,15 điểm, tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Chỉ số PAPI năm 2022 tăng 4 bậc, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố…

2.jpg
Thủ tướng nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Ảnh: Chính phủ

"Chọn đúng, chọn trúng" để phát triển du lịch

Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Kạn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, đặc biệt là 2 đột phá gồm phát triển kinh tế rừng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác thế mạnh từ rừng gắn với bảo vệ rừng (với 3 định hướng gồm bán tín chỉ carbon, điện sinh khối, phát triển ngành công nghiệp các sản phẩm từ rừng theo hướng vừa là thực phẩm, vừa là mỹ phẩm, vừa là dược phẩm) và tập trung phát triển du lịch với lợi thế trung tâm của vùng và hồ Ba Bể; phối hợp với các Bộ ngành để có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, rà soát việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, Nghị quyết số 96/NQ-CP và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh. Khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số.

Tập trung phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững, làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học để sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển nông thôn mới. Phát triển nông - lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công. Đôn đốc các dự án, nhà máy đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, sớm có quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư; chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tăng cường kết nối giao thương với khu vực phía bắc và Bắc Trung Bộ.

Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, "chọn đúng, chọn trúng" để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là lợi thế hồ, sông, lấy hồ Ba Bể làm trung tâm, gắn với hồ Na Hang (Tuyên Quang) và các dòng sông. Xây dựng mô hình thí điểm phát triển "Điểm du lịch cộng đồng". Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với phát huy các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh. Tiếp tục tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ ngành đã phát biểu, trả lời và Thủ tướng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh về 8 nhóm vấn đề trên tinh thần cơ bản đồng tình.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã kiểm tra Nhà máy luyện kim phi cốc của Công ty cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ - Matexim đang dừng hoạt động nhằm xem xét, chỉ đạo giải quyết, xử lý các vấn đề, khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đưa Nhà máy hoạt động trở lại.

Trước đó, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Nà Tu; kiểm tra công tác chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn; khảo sát hiện trường, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn-Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); thăm Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Mông Thị Thi ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông./.

Cùng chuyên mục
Bắc Kạn tập trung hai đột phá về phát triển kinh tế rừng và du lịch