Bài 1: Đơn vị nghệ thuật tự chủ - chủ trương đúng, song cần có trợ lực

(BKTO) - Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đang loay hoay thực hiện tự chủ, thì đối với các đơn vị nghệ thuật, khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần. Vậy đâu là hướng đi cho các đơn vị này để vừa đảm bảo mục tiêu bảo tồn lẫn tự chủ nguồn thu chi, trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống đang ngày càng vắng khách?

15.jpg
Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đều gặp khó khăn trong tự chủ. Ảnh minh họa

Nhà hát “sống mòn” tự chủ…

Dù tự chủ một phần (từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên) từ nhiều năm nay, song Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) luôn trong tình trạng khó khăn. Trong khi đó, từ vị thế “ngôi sao” của ngành văn hóa khi tự chủ 100% từ năm 2015, song Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng gặp những thử thách nhất định. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cộng với việc loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khó thu hút khán giả; nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị không ổn định, còn quá ít… nên tác động không nhỏ tới hoạt động, kết quả thực hiện tự chủ của đơn vị.

Đây cũng là thực trạng chung đối với nhiều đơn vị nghệ thuật công lập của ngành văn hóa hiện nay khi phải ra “ở riêng” theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (nay được thay thế bằng Nghị định số 60/2021/NĐ-CP). Theo thống kê, cả nước có hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), số còn lại thuộc các sở VHTTDL. Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đều gặp khó khăn trong tự chủ, và yếu thế hơn các đơn vị SNCL khác.

Lý do được quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) Trần Ly Ly đưa ra là các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống kén khán giả, lại bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình văn hóa mới du nhập. Lý do thứ hai, hoạt động của các đơn vị nghệ thuật phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất. Trong khi hiện nay, nhiều đơn vị không có sân khấu, dẫn đến việc các đơn vị phải đi thuê địa điểm, chưa kể còn phải trả lương... “Các đơn vị mong mỏi từng ngày chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được triển khai, trong đó có nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất để tháo gỡ khó khăn này” - lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết.

Mặt khác, cái khó của nghệ thuật truyền thống, đó là ngoài đáp ứng thị hiếu, thì các sản phẩm nghệ thuật như: Tuồng, chèo, cải lương còn là những giá trị văn hóa cần được bảo tồn, nên để đơn vị tự chủ hoàn toàn mà thiếu cơ chế đặc thù sẽ khiến đơn vị khó chồng khó. Hay như vừa qua, lãnh đạo một nhà hát còn chua chát: Nhà hát không sáng đèn, suất diễn ít, nghệ sỹ bị gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên phải biểu diễn ở phòng trà, sự kiện, quên nghiệp chính trên sân khấu. Vậy thực hiện tự chủ mà thêm khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, thì vướng mắc ở đâu? Giải pháp nào cho vấn đề này?

Tự chủ không phải là tự bơi

Nếu như trước đây, cứ “đến hẹn lại lên”, một số nhà hát một năm nhận được trên dưới 10 tỷ đồng tiền ngân sách. Điều này một mặt gây áp lực rất lớn lên nguồn ngân sách vốn “oằn mình” cho bao khoản mục cần chi khác, nhưng mặt khác tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại cho một bộ phận nghệ sỹ mà triệt tiêu động lực đổi mới. Do đó, tính đúng đắn của chủ trương tự chủ đối với các đơn vị SNCL là không phải bàn cãi.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL được ban hành là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng, làm định hướng hoạt động của các đơn vị SNCL, trong đó có vấn đề tự chủ. Từ nghị quyết này, Chính phủ, các ngành chức năng đã thể chế hóa bằng nhiều văn bản pháp luật để thúc đẩy việc đổi mới đơn vị SNCL, trong đó đều khẳng định tinh thần: Tự chủ, không có nghĩa là Nhà nước để các đơn vị SNCL tự bơi, mà là để các đơn vị phát huy tính năng động, sáng tạo để bứt phá.

Hiện, Kiểm toán nhà nước đang triển khai kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL theo Nghị quyết số 19-NQ/TW để cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát. Trong đó, mục tiêu kiểm toán là nhằm đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, đúng đắn và kịp thời theo tiến độ đã đề ra của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Theo đánh giá của Kiểm toán nhà nước qua kiểm toán các đơn vị SNCL nói chung, các đơn vị nghệ thuật nói riêng, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị SNCL đã bước đầu giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả; huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều đơn vị đã chủ động sắp xếp bộ máy tổ chức, nhân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả…

Bên cạnh một số kiến nghị về chính sách cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ. Theo đó, cần tăng trách nhiệm giải trình gắn với trách nhiệm của người đứng đầu về tính công khai, minh bạch trong các khoản thu, chi tại đơn vị; rà soát, xác định mức độ tự chủ của đơn vị để làm căn cứ ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo hướng tăng đặt hàng, giảm chi thường xuyên. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Những đề xuất của Kiểm toán nhà nước cũng chính là giải pháp được các cơ quan chức năng đề ra để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị nghệ thuật và được các chuyên gia đồng tình.

“Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách phù hợp, gắn với đặc thù lĩnh vực nghệ thuật để đảm bảo cơ hội phát triển cho các đơn vị, như: Tăng cường đặt hàng sản phẩm, tạo thuận lợi trong cơ chế hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, đổi mới hoạt động gắn với trách nhiệm giải trình” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể nói, khi tự chủ là xu thế tất yếu, thì các đơn vị SNCL cần phải phát huy vai trò chủ động, năng động hơn nữa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước để tìm ra giải pháp đúng đắn cho những trở ngại vừa qua. Ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng cần lắng nghe và có giải pháp phù hợp để hỗ trợ các đơn vị SNCL ngành văn hóa vừa thực hiện đúng nhiệm vụ tự chủ, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là những vấn đề được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL giai đoạn 2018-2023”, từ đó nhận diện thực trạng, đề ra giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị SNCL./.

Bài cuối: Hợp tác công - tư – cởi bỏ “vòng kim cô” cho các đơn vị tự chủ

Cùng chuyên mục
Bài 1: Đơn vị nghệ thuật tự chủ - chủ trương đúng, song cần có trợ lực