Ngăn chặn sớm vi phạm, sử dụng hiệu quả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(BKTO) - Để kiểm soát, sử dụng Quỹ Khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) một cách hợp lý, hiệu quả, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu, BHXH địa phương tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, cơ sở KCB kiên quyết loại trừ các chi phí bất hợp lý, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các vi phạm, đảm bảo nguồn lực KCB cho người tham gia BHYT…

bh5-17175820001022061849087.jpg
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành BHXH kiểm soát từ sớm, từ xa nhằm ngăn chặn vi phạm, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn Quỹ KCB BHYT. Ảnh: BHXH Việt Nam

Gửi 400 văn bản cảnh báo, làm việc với 557 cơ sở KCB có chi phí tăng cao

Ngày 5/6, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Báo cáo tại Hội nghị về hoạt động kiểm soát chi phí KCB BHYT thời gian qua, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, Nghị định số 75/NĐ-CP giao trách nhiệm cho BHXH Việt Nam “Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin...; chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở y tế về các chi phí KCB BHYT tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở y tế cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa”.

Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam ban hành các văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ này như hướng dẫn gửi thông tin cảnh báo cho cơ sở KCB các chi phí KCB BHYT tăng cao so với mức chi bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến; hướng dẫn cảnh báo các chi phí KCB BHYT tăng cao theo quy định tại Nghị định số 75...

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương thường xuyên giám sát các thông tin cảnh báo, các thông tin khác nên phần mềm Giám sát; phân tích các yếu tố chủ quan, khách quan (nếu có) dẫn đến tăng cao chi phí KCB tại từng cơ sở KCB; thực hiện thông báo cho cơ sở KCB các chi phí bình quân tăng cao nhưng chưa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp, đánh giá các nguyên nhân làm tăng cao chi phí, báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế để chỉ đạo…

Trong tháng 5/2024, BHXH các địa phương đã thực hiện 400 văn bản cảnh báo đến cơ sở KCB và trên 30 văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế. BHXH của 62 tỉnh, thành phố đã làm việc trực tiếp với 557 cơ sở KCB có chi phí tăng cao…

“Số liệu thống kê cập nhật đầy đủ cho thấy, số chi KCB BHYT tháng 5 đã giảm khoảng 6% so với tháng trước. Có 62/63 địa phương có tốc độ gia tăng chi phí bình quân đã giảm so với tháng trước. Trước đó, trong tháng 4, có tới 57/63 tỉnh có chi phí bình quân tăng so với tháng 3/2024” - ông Lê Văn Phúc thông tin.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng chỉ ra một số khó khăn trong kiểm soát chi phí KCB BHYT khi có địa phương vẫn tiếp tục gia tăng chi phí bình quân. Nhiều địa phương có số chi phí thanh toán tuyệt đối gia tăng cao trong 5 tháng đầu năm, nhiều địa phương có tỷ lệ gia tăng chi phí tháng 4, tháng 5 từ 22-52% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều cơ sở y tế có mức chi bình quân/lượt nội trú gia tăng từ 80-415%; chi bình quân/lượt ngoại trú gia tăng cao nhất là 275% so với cùng kỳ năm trước…

Trong khi đó, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến thông tin thêm, hiện Trung tâm đang tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ BHXH các địa phương như xây dựng công cụ giám sát gia tăng chi bình quân; hướng dẫn cảnh báo, giám sát theo Nghị định số 75; tập huấn, triển khai công cụ cảnh báo và phương pháp, kỹ năng đánh giá.

Phân tích các dữ liệu trên Hệ thống Thông tin giám định, ông Đức cũng chỉ ra những điểm cần lưu ý trong các chi phí tăng cao, các dấu hiệu nhận diện chi phí “bất thường” mà BHXH các địa phương cần quan tâm phân tích, giám định cụ thể trên hồ sơ, bệnh án…

Sử dụng tối ưu nguồn Quỹ, không lãng phí

Nhấn mạnh, mục tiêu chung là hướng tới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và tối ưu sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả, đúng quy định, không lãng phí, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, trong kiểm soát chi phí KCB BHYT, các đơn vị chuyên môn BHXH Việt Nam bám sát các quy định trong Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ để xây dựng các cơ chế kiểm soát, đưa ra các tiêu chí để từng cấp lãnh đạo, cán bộ liên quan biết và soi chiếu khi thực hiện.

Đồng thời, tăng cường hệ thống thống kê, tổng hợp, đánh giá trên toàn quốc và từng địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Ngành và thực hiện nhiệm vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố.

5f73cf3d03eba6b5fffa.jpg
Quỹ BHYT cần đươc sử dụng tối ưu nhất cho những người bệnh thật sự cần đến. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương cần chuẩn hóa số liệu địa bàn mình, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin, xây dựng báo cáo và đặc biệt là để làm việc với các cơ sở y tế, chỉ rõ các chi phí bất hợp lý, so sánh với toàn quốc, khu vực và trong tỉnh. Việc kiểm soát chi phí KCB BHYT cần đảm bảo yếu tố phòng ngừa, cảnh báo từ sớm, từ xa và cương quyết loại trừ đối với các chi phí bất hợp lý theo quy định; kết hợp giữa thanh tra, kiểm toán và giám định BHYT nhằm ngăn ngừa các vi phạm…

“Toàn Ngành tiếp tục tập trung cao độ, với tinh thần cương quyết, mềm dẻo, khoa học, hiệu quả, mục tiêu là tối ưu sử dụng Quỹ BHYT, phòng chống lãng phí, đảm bảo quyền lợi người bệnh” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo.

Các cơ sở y tế hiện ghi nhận rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiếm, ghép tạng được điều trị. Các trường hợp này cần quá trình điều trị dài và chi phí điều trị rất lớn để phục hồi, duy trì cuộc sống. Đây là gánh nặng mà ngay cả những người có điều kiện kinh tế cũng không thể lo hết được nếu không có BHYT. Vì vậy, với nguồn lực quỹ BHYT đã được xác định và có hạn, sử dụng hiệu quả, không lãng phí nguồn tài chính này là để Quỹ BHYT có thể được sử dụng tối ưu nhất cho những người bệnh thật sự cần đến.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Ghi nhận hiệu quả từ việc phát hiện và ngăn chặn sớm các chi phí bất thường, tháo gỡ vướng mắc trong KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa yêu cầu BHXH các địa phương báo cáo UBND tỉnh, tham mưu tổ chức hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư y tế đầy đủ, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân BHYT; khẩn trương thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT đúng thời hạn. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các cơ sở KCB có chi phí tăng cao, làm rõ các nguyên nhân tăng và giải pháp khắc phục; giám sát việc thực hiện hợp đồng KCB của các cơ sở y tế đúng quy định…

BHXH Việt Nam phải phối hợp với ngành Y tế để thực hiện kiểm soát chi phí KCB BHYT trên cơ sở khoa học, công khai và minh bạch, nhằm tập trung nguồn lực hiệu quả nhất cho những bệnh nhân cần được hỗ trợ điều trị - ông Hòa nêu rõ.

Cùng chuyên mục
Ngăn chặn sớm vi phạm, sử dụng hiệu quả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế