Kịp thời ngăn ngừa, xử lý tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao

(BKTO) - Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL). Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn, giải đáp nhiều vấn đề "nóng" của ngành văn hóa được các đại biểu nêu.

z5368260027882_92f498933f2f6d54a09f014e342a18c2.jpg
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống văn hóa cho người dân, đồng bào các dân tộc thiểu số là xuyên suốt, nhất quán. Ảnh: N.Lộc

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển văn hóa

Báo cáo trước Quốc hội trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL ý thức đầy đủ rằng việc chất vấn không chỉ là thể hiện, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội mà còn biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với vấn đề VHTTDL của nước nhà.

Bộ trưởng cũng cho biết, đây là dịp để Bộ VHTTDL báo cáo trước Quốc hội về những kết quả đạt được sau 2/3 thời gian chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Vì vậy có thể nhìn lại một cách khái quát là sau thời gian tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, tiếp đến là việc tổ chức thành công lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam đến các Hội thảo khoa học cấp quốc gia về nâng cao thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển của văn hoá.

Cùng với đó là các nhiệm vụ thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ khi giao Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bên cạnh đó sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng được thể hiện rõ trên các lĩnh vực khác như Bộ Chính trị ban hành Kết luận về phát triển thể dục thể thao trong thời kỳ mới...

c56_bo_truong_2_hpkh.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng nhấn mạnh, điều đó khẳng định đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về lĩnh vực VHTTDL trên cả nước, từ chuyển biến về nhận thức đến hành động và quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Điều đó cũng thể hiện rõ trong Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại phiên khai mạc của Quốc hội. Báo cáo đã đánh giá khái quát về những kết quả ngành VHTTDL đạt được trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, Viện nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành khảo sát với câu hỏi là việc xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Kết quả năm 2024 đã tăng 32% so với năm 2019. Điều đó cho thấy lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện được nhiều cố gắng, chuyển biến từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ là phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó và phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành VHTTDL; giữa mục tiêu về phía trước và hướng tới cần phải tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối hiện nay trong điều kiện còn hạn hẹp; đặt vấn đề phát huy nguồn lực chất lượng cao của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh phải tinh giảm, cắt gọn biên chế và tổ chức bộ máy cần phải được tin gọn. 

Quan tâm đến vận động viên, kiên quyết xử lý vi phạm

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi chất vấn về việc thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả.

Điều này kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên. Từ đó đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vụ việc đại biểu nêu là sự nhức nhối của ngành thể thao. Với vụ việc liên quan đến việc vận động viên tố huấn luyện viên thu lại phần trăm tiền thưởng, Bộ trưởng cho biết, vụ việc này liên quan đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.

nguyen-minh-tam-5-6-.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm: Những vụ việc tiêu cực đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng

Sau khi phát hiện sự việc, Bộ VHTTDL đã kiên quyết xử lý trên tinh thần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, không có ngoại lệ. Bộ cũng đã tiến hành xử lý với các cá nhân có vi phạm và đã cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để điều tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm.

"Đây cũng là lời cảnh tỉnh trong công tác huấn luyện" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không chỉ về công tác chuyên môn như trước và với cả các vấn đề tổ chức hành chính tại các đội.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu.

Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ. 

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ các vận động viên thể thao thành tích cao như các chế độ ưu đãi về dinh dưỡng, ưu đãi về đào tạo, tuyển chọn... Sự quan tâm này đã thể hiện bằng những kết quả đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, không phải vận động viên nào khi giã nghiệp cũng có thể được chuyển sang làm huấn luyện viên và làm các công việc khác liên quan đến chuyên môn trong quá trình tập luyện và thi đấu. Vì vậy, giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó có các chính sách hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao thành tích cao.

Cùng chuyên mục
Kịp thời ngăn ngừa, xử lý tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao