Bài 2: Cộng hưởng nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán tại các địa phương

(BKTO) - "3 rõ" - Đó là ý kiến của ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khi trao đổi về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại buổi Tọa đàm "Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa KKTNN với các địa phương".

7-quang-canh.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HOÀNG LONG

3 “rõ” trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Chia sẻ kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2021 của TP. Hà Nội đạt trên 90%, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, Thành phố luôn yêu cầu khi có kết luận, kiến nghị kiểm toán thì phải phân công thật cụ thể đến từng đơn vị. Đáng chú ý, năm 2023, Thành ủy Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán. Trong đó, các đoàn đã giám sát trực tiếp tại 10 đơn vị. Đồng thời, lãnh đạo TP. Hà Nội giao cho các đơn vị tổ chức tự kiểm tra, thường xuyên báo cáo về Sở Tài chính - cơ quan đầu mối tổng hợp - để báo cáo UBND Thành phố xử lý những vấn đề không thực hiện đúng tinh thần của Luật KTNN hoặc tinh thần chỉ đạo, phân công của lãnh đạo Thành phố. Qua công tác kiểm tra, giám sát cũng đánh giá sự thay đổi về nhận thức trong vấn đề hiểu đầy đủ về quy định của Luật KTNN, về trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là nhận thức về vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, các đơn vị cũng xác định, ngoài việc thực hiện trách nhiệm theo Luật thì quan trọng hơn là lợi ích đem lại từ việc các đoàn kiểm tra, kiểm toán đưa ra các kết luận, kiến nghị đã giúp cho các đơn vị, Thành phố nhìn nhận những bất cập, hạn chế để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn sau. Qua đánh giá, theo dõi cũng cho thấy, để làm tốt công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì nhận thức của người đứng đầu là rất quan trọng. Do đó, việc đầu tiên Thành phố yêu cầu là làm đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nhận thức của người đứng đầu.

Đồng thời, để thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với KTNN từ khâu khảo sát, xây dựng kế hoạch, kiểm tra cho đến việc thực hiện để nhận diện được những vấn đề lớn, nổi cộm, những khó khăn và đề xuất KTNN hỗ trợ chỉ ra và khắc phục những khó khăn này, đặc biệt là những điểm nghẽn và tiếp tục phối hợp trong khâu thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Cộng hưởng nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán

Trong quá trình triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, Hà Nội cũng thường xuyên phối hợp với KTNN có kiến nghị, đề xuất lên Trung ương những cơ chế, chính sách không thuộc thẩm quyền của Thành phố để xử lý triệt để những vấn đề vướng mắc.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn, để nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán, bên cạnh việc đôn đốc thì KTNN phải hướng dẫn đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây là khâu rất quan trọng, là khâu cuối cùng để đánh giá được hiệu quả, hiệu lực, chất lượng của hoạt động kiểm toán. Hiện nay, KTNN đã có nhiều đổi mới tích cực trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán và tổ chức thực hiện rất bài bản, gặp gỡ, làm việc với từng đơn vị để nhìn nhận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Đề cập đến một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN và các địa phương, ông Hà Minh Hải bày tỏ mong muốn KTNN ngoài việc kiểm toán theo kế hoạch thì tiếp tục quan tâm thực hiện kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là kiểm toán theo đặt hàng của địa phương. Thực tế, có rất nhiều nội dung, cơ chế mới, những vấn đề khó mà hằng năm địa phương đã có đề xuất KTNN thực hiện kiểm toán. Chẳng hạn, TP. Hà Nội đã đề xuất KTNN kiểm toán Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 giai đoạn 2; kiểm toán Nhà máy nước mặt sông Đuống; kiểm toán liên quan đến cổ phần hóa…

“TP. Hà Nội là một đô thị rất đặc biệt, khối lượng công việc lớn, thu - chi ngân sách cũng chiếm tỷ trọng rất lớn của cả nước nên rất mong KTNN tiếp tục ưu tiên quan tâm hằng năm đưa vào kế hoạch kiểm toán để giúp cho Thành phố kịp thời phát hiện, hướng dẫn, xử lý những vấn đề còn chưa phù hợp.” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề xuất.

7-ong-ha-minh-hai.jpg
Ông Hà Minh Hải. Ảnh: HOÀNG LONG

Để tiếp tục đổi mới công tác phối hợp trong hoạt động kiểm toán, ông Hà Minh Hải cũng cho hay, hiện nay, Hà Nội đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ, KTNN cũng rất tích cực trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, khi cơ sở dữ liệu đã đầy đủ cơ chế cung cấp thông tin sẽ kịp thời hơn. Trên cơ sở dữ liệu này, KTNN sẽ phân tích, đưa ra dự báo từ sớm, từ xa những vấn đề lớn của Thành phố, để trên cơ sở đó Thành phố có định hướng khắc phục ngay các tồn tại.

Đáng chú ý, tại Nghị trường, có đại biểu Quốc hội đề xuất, để nâng cao hiệu quả phối hợp thì cần có đại diện của KTNN khu vực tham gia vào các kỳ họp Hội đồng nhân dân của địa phương và tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo KTNN khu vực VI nhấn mạnh, đây là một đề xuất rất hữu ích và tích cực để giúp cho KTNN nắm sát được hơn tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, tại các cuộc họp, các buổi giám sát, khi các đại biểu cần thông tin nào liên quan đến địa phương thì KTNN có thể cung cấp một cách kịp thời và chính xác để các đại biểu nắm được. Tuy nhiên, cần căn cứ vào quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của KTNN... Trước mắt, KTNN có thể tham gia ở góc độ những chủ đề giám sát có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công và những chủ đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Đồng thời, việc tham gia cũng phải phù hợp với khả năng về nhân lực, nguồn lực của KTNN.

Qua kiểm tra cho thấy, hạn chế của việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán là những nội dung có liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều cá nhân, nhiều thời kỳ, nhiều chính sách khác nhau thì thường việc thực hiện các kết luận chậm hoặc không đạt yêu cầu. Vì thế, TP. Hà Nội đã giao cho các đơn vị đầu mối khi tham mưu thì phải phân ra rất cụ thể theo phương châm 3 rõ: Rõ việc, rõ người; rõ trách nhiệm và rõ tiến độ, thời gian và kết quả. Đây là vấn đề rất quan trọng trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Từ góc độ địa phương, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, cho rằng đề xuất này là rất phù hợp, bởi Luật KTNN đã có các quy định về KTNN tham gia vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, tham gia ý kiến vào việc trình các dự án luật, sửa đổi cơ chế chính sách... Khi KTNN tham gia được vào các cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân, của Đoàn đại biểu Quốc hội thì có thể lắng nghe và có ý kiến ngay, không phải chờ đến khi thực hiện các cuộc kiểm toán mới có kiến nghị; qua đó giúp ích được rất nhiều cho địa phương. Mặt khác, từ quá trình tham gia giám sát, lắng nghe thực tiễn thì KTNN cũng đưa ra những ý kiến về sửa đổi cơ chế chính sách sẽ sát và phù hợp hơn. Việc tham gia vào các nội dung này cũng là một bước để KTNN lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để giúp cho địa phương trong hoạch định hoặc tháo gỡ các vấn đề lớn./.

Cùng chuyên mục
Bài 2: Cộng hưởng nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán tại các địa phương