Bài 2: Những “nốt trầm” trên cao tốc Bắc - Nam

N. LỘC - T. LONG - N. HỒNG | 11/04/2024 05:35

(BKTO) - Được ví như khúc ca mang âm hưởng của thời đại mới, minh chứng cho một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, song việc triển khai xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch Bắc - Nam vẫn còn những “nốt trầm” xuất phát từ bất cập của cơ chế, chính sách và từ những hạn chế trong công tác quản lý. Việc nhận diện rõ các thách thức, cùng với việc đề xuất giải pháp tháo gỡ là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với "đại công trường" này.

4.jpg
Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sau hơn 1 năm thi công đã dần hình thành. Ảnh ST

Trở ngại từ phương thức đầu tư…

Tiếp sau hầm Đèo Cả (nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông), hầm Núi Vung (thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) có chiều dài 2,2km, là công trình có quy mô lớn và phức tạp nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, dự kiến sẽ thông tuyến dịp 30/4 năm nay. Các dự án hoàn thành không chỉ chứng minh người Việt đủ năng lực chinh phục những kỹ thuật phức tạp về “khoan hầm, xuyên núi” mà còn thể hiện tầm nhìn xa, khi hệ thống hầm này tới đây sẽ kết nối để hình thành nên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Kết quả từ các dự án này còn được ví như hình mẫu thành công của mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Dẫn chứng từ Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chuyên gia Ngô Văn Quý - nguyên Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV - khẳng định, việc tiết giảm tổng mức đầu tư, chủ động một phần nguồn nguyên vật liệu, ứng dụng công nghệ mới để làm chủ thi công… cho thấy sự đúng đắn của phương thức PPP. Dự án đang chuẩn bị về đích và hòa mình vào mạng lưới giao thông Bắc - Nam để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong khi giai đoạn 1 của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có 3/11 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP; thì đến giai đoạn 2 lại hoàn toàn “vắng bóng” các dự án PPP. Cả 12 dự án thành phần đều được đầu tư theo hình thức đầu tư công - dù Luật PPP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trước thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, với một dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế - xã hội, là biểu tượng của “ý Đảng, lòng dân” như cao tốc Bắc - Nam, nhưng lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách!

z5335796547806_405578226607e689c9f4a23dd8877225(1).jpg
Hầm Đèo Cả, công trình do doanh nghiệp Việt thực hiện và làm chủ công nghệ. Ảnh: ST

Từng trực tiếp tham gia kiểm toán đối với các dự án PPP, trong đó có dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Trí Thành cho biết, các dự án PPP hiện nay gặp khó, bản chất là do những bất cập trong cơ chế, quy định đang ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án PPP; trong đó có vấn đề xây dựng phương án tài chính, cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư… Vì vậy, thay vì hạn chế phương thức PPP, Nhà nước cần “tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PPP; ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu, lựa chọn và triển khai hiệu quả dự án PPP mới” - ông Thành cho biết.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lý giải, nguyên nhân vắng bóng dự án PPP là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong khi đầu tư PPP lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thu hút được doanh nghiệp. Nhưng sâu xa hơn, theo Bộ trưởng Bộ GTVT là do bất cập trong chính sách thu hút đầu tư, mà trực tiếp là Luật PPP. “Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ điều chỉnh các quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư” - ông Thắng cho biết.

Đầu tháng 01/2024, Bộ GTVT đã có Công văn số 278/BGTVT-TC gửi các ban được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 về việc triển khai thực hiện kết luận của KTNN. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 thực hiện nghiêm túc các kiến nghị được nêu trong báo cáo kiểm toán, bao gồm các kiến nghị về: Xử lý tài chính, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án và các kiến nghị khác. Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại các sai sót, tồn tại được KTNN nêu để triển khai thực hiện đầy đủ; đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

…Đến những yếu kém trong quản lý dự án

Không chỉ vướng mắc trong thu hút đầu tư theo phương thức PPP, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, thi công các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam cũng đang gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án cao tốc. Đây cũng là những vấn đề đã được Quốc hội, KTNN chỉ ra qua công tác giám sát, kiểm toán thời gian qua. Trong đó, tình trạng chung là nhiều dự án bị “lụt” tiến độ cùng hàng loạt tồn tại mà nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý.

Dù được chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công, song Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu (đã đưa vào sử dụng cuối năm 2023) không thể đổi vận khi dính nhiều “sạn”. Tại thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022), KTNN kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công gói thầu, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng bảo hiểm công trình, việc quản lý, thực hiện hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán chi phí đầu tư... Theo đánh giá của KTNN, trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý dự án 6 - chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan. Hiện, các kiến nghị này đã và đang được chủ đầu tư triển khai thực hiện. Tương tự, tại Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng là Diễn Châu - Bãi Vọt (giai đoạn 1) dự kiến hoàn thành vào tháng 5 tới đây, song tại thời điểm báo cáo vào tháng 02/2024, Dự án vẫn “lụt” tiến độ sau 4 lần điều chỉnh.

6cfdc59fec78c9a061b6de0ef12b2183.jpeg
Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập trong triển khai thực hiện các DA thành phần cao tốc Bắc - Nam.  Ảnh: TL

Tại khu vực phía Nam, dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, vẫn tiếp tục lặp lại những bất cập, dù đã được KTNN kiến nghị chấn chỉnh qua kiểm toán trước đó. Trong đó, một số hạn chế nổi cộm được KTNN chỉ ra như: Việc lập kế hoạch vốn chưa bám sát tình hình thực tế, cũng như khả năng giải ngân vốn; việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán chưa đảm bảo theo quy định; tiến độ thực hiện các gói thầu còn chậm; quản lý chi phí chưa chặt chẽ… Đặc biệt, chủ đầu tư đã tính sai chi phí bù trượt giá hạng mục kiểm soát giao thông thông minh và trạm thu phí, làm tăng chi phí, gây ảnh hưởng phần nào đến tính hiệu lực trong chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

Thừa nhận những tồn tại được KTNN chỉ ra, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) - đại diện chủ đầu tư - cho biết, sau khi Báo cáo kiểm toán được phát hành, đơn vị đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. “Trên cơ sở những vấn đề được KTNN chỉ ra, đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm để không lặp lại những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai dự án” - đại diện Ban cho biết.

Theo PGS,TS. Nguyễn Hồng Thái (Đại học GTVT), thông qua những vấn đề KTNN phát hiện, chỉ ra đã cho thấy rõ hơn thực trạng về đầu tư cao tốc Bắc - Nam, nhất là những bất cập trong quá trình tổ chức đã phần nào làm giảm ý nghĩa của chủ trương đầu tư dự án quan trọng này. “Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh theo kiến nghị kiểm toán. KTNN cần tăng cường hơn nữa trong việc kiểm toán các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam, bởi đây là các dự án trọng điểm quốc gia và tập trung rất lớn nguồn vốn ngân sách. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản lý để đưa Dự án về đích đúng hẹn” - ông Thái nhấn mạnh.

Cùng với việc nhận diện và khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý dự án, một trong những “nút thắt” lớn trong thi công cao tốc Bắc - Nam là vấn đề giải phóng mặt bằng, sẽ được Báo Kiểm toán đề cập trong kỳ tiếp theo./.

Cùng chuyên mục
Bài 2: Những “nốt trầm” trên cao tốc Bắc - Nam