Bài 4: “Đất khóc, người than” vì lãng phí đất đai

(BKTO) - Trụ sở 2.000 m2 đất vàng giữa TP. Đông Hà (Quảng Trị) bị bỏ hoang, 8 năm chờ “sắp xếp tổng thể”. Câu chuyện trên được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng mang đến nghị trường Quốc hội cùng với hàng loạt những bất cập trong sắp xếp, sử dụng nhà đất, trụ sở công được chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát thời gian qua cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai đã và đang là thực trạng báo động.

10.jpg
Khu “đất vàng” 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với 4 mặt tiền bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm từ nhiều năm nay. Ảnh: N.Lộc

“Đất vàng” bỏ hoang gây lãng phí, thất thu ngân sách

Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở nhiều nơi, việc sử dụng đất lãng phí, hiệu quả thấp diễn ra phổ biến, dai dẳng qua nhiều năm chưa được xử lý.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi gây lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất.

Kiểm toán nhà nước

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị) phản ánh: Trụ sở của Tòa án nhân dân TP. Đông Hà có tòa nhà 3 tầng, diện tích hơn 2.000 m2 “đất vàng”, tọa lạc tại vị trí đắc địa được bỏ hoang từ năm 2016 đến nay. Tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương quản lý. Thế nhưng, qua 8 năm chỉ nhận được câu trả lời là “đang chờ sắp xếp tổng thể”. “Công trình này đang gây ra hoang hóa, mất mỹ quan đô thị, gây lãng phí tài sản lớn; đồng thời gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cử tri” - đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.

Cùng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc khai thác, sử dụng đất đai còn lãng phí nhiều, dẫn đến cảnh “đất khóc, người than”. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.

Đây chỉ là ví dụ điển hình trong muôn vàn bất cập, lãng phí trong sử dụng nguồn lực đất đai. Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Quốc hội chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng nhà, đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ không đúng quy định, thiếu chặt chẽ, không hiệu quả, còn nhiều lãng phí, thất thoát. Trong đó, công tác sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở làm việc của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hiệu quả; số lượng nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ còn khá lớn. Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ; sắp xếp, xử lý nhà, đất và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát...

Kết quả giám sát cũng chỉ ra, nhiều dự án nhà tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Tại thời điểm giám sát, Hà Nội còn 1.947 căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà. TP. Hồ Chí Minh cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, rất ít người ở... Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm, dẫn đến thất thoát, lãng phí, thất thu NSNN.

Những bất cập được Đoàn giám sát nêu lên cũng là thực trạng đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện qua công tác kiểm toán trong nhiều năm. Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN chỉ rõ, một số Bộ, ngành, địa phương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm. Nhiều Bộ, ngành chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Kết quả kiểm toán năm 2023 tiếp tục “điểm danh” TP. Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Tài chính chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Trong đó, Bộ Tài chính còn 426 cơ sở nhà, đất chưa lập phương án sắp xếp; trong đó có 164 cơ sở nhà, đất chưa kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất. Tại Bộ Công Thương, nhiều đơn vị chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất; chưa kê khai nộp thuế đất; 10 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa được cho phép…

Nan giải xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Trong khi những lãng phí trong sắp xếp, sử dụng nhà đất chưa có giải pháp xử lý hiệu quả thì tình trạng bỏ hoang, lãng phí trụ sở, đất đai dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) đang là bài toán nan giải tại nhiều địa phương. Sắp xếp lại, tinh gọn ĐVHC là chủ trương đúng đắn, song nếu không có phương án xử lý sớm, hiệu quả thì hàng trăm, hàng nghìn công sở bỏ không, xuống cấp khiến người dân không khỏi bức xúc.

Đơn cử, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo, sau sáp nhập, sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 có 537 công sở, nhà đất công dôi dư; trong đó chủ yếu là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Nhiều năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư song cho đến nay số xử lý được rất khiêm tốn, còn lại đang bỏ hoang, lãng phí đất đai, cơ sở hạ tầng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã để giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 651 ĐVHC cấp xã thì dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm tháng 8/2024 mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp ĐVHC còn rất lớn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản. Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Vì vậy, các địa phương cần tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.

Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2023, tập trung rà soát để đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thông qua kiểm toán, KTNN đã kịp thời kiến nghị chấn chỉnh, xử lý những bất cập trên. Tuy nhiên, tại nhiều Bộ, ngành, địa phương, sự chuyển biến còn chậm, từ đó dẫn đến làm lãng phí tài sản nhà nước, thất thu ngân sách./.

Cùng chuyên mục
  • Tài chính khí hậu: Trả phí hay trả giá?
    12 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Tài chính khí hậu là một trong những chủ đề “nóng nhất” của Hội nghị COP29, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đáng chú ý, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng: “Thế giới phải trả phí, nếu không nhân loại sẽ phải trả giá”.
  • Đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP là không khả thi
    13 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Một số quốc gia đầu tư dự án đường sắt theo phương thức hợp tác công tư (PPP) nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án PPP lên rất cao.
  • Huy động tối đa nguồn lực để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
    13 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ công nghệ. Đồng thời, cần huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, nhất là huy động sức dân để triển khai thành công dự án đặc biệt này.
  • GRDP của Bình Dương năm 2024 ước tăng hơn 8%
    13 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan. Bình Dương đang đề ra các chỉ tiêu kinh tế năm 2025, trong đó phấn đấu GRDP tăng 8 - 8,5%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 74.320 tỷ đồng…
  • Thái Bình: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển
    13 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2024, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoặc toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Bài 4: “Đất khóc, người than” vì lãng phí đất đai