Cùng với cả hệ thống chính trị, Kiểm toán nhà nước - “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không chỉ quyết liệt phòng ngừa, chống lãng phí từ nội ngành mà thông qua hoạt động kiểm toán đã tích cực phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh hành vi lãng phí, tiêu cực; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bài 1. Hồi “trống lệnh” phòng, chống lãng phí
Mặc dù đã được nhận diện, được quán triệt, thực hiện nghiêm túc qua các thời kỳ, tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu thì những biểu hiện mới của “lãng phí” cũng xuất hiện với những hệ lụy nhức nhối hơn, và nghiêm trọng hơn là đe dọa trực tiếp đến mục tiêu vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới…
Chống lãng phí: Khi ý Đảng hợp với lòng dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong Nhân dân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, Người yêu cầu “phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”, là kẻ thù của Nhân dân. Xác định lãng phí là một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm, nên việc chống tham ô, lãng phí luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Theo yêu cầu của Người, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để. Trong Di chúc của mình, Bác cũng không quên căn dặn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng lại rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đảng đã nhận định, lãng phí rất đa dạng, song tựu chung là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, để lại hệ lụy khôn lường. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Tại Hội nghị lần thứ ba ngày 21/8/2006, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó tạo cơ sở đồng bộ, điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, ngành, các cơ quan và mỗi người dân.
Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung về phòng, chống lãng phí. “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai” - Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá.
Lãng phí là “giặc nội xâm”, gây hại hơn tham nhũng
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong những năm qua, thực tế cũng cho thấy vấn nạn lãng phí ngày càng trở nên trầm trọng, phổ biến trên hầu hết các lĩnh vực. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, người đứng đầu Đảng ta đã phải thốt lên: Lãng phí “thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực”.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải bám sát 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định, đó là tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Không né tránh, không vòng vo, Đảng ta nhìn thẳng vào thực tế, chỉ rõ: Nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng... Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu chưa hoàn thiện, còn bất cập. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có liên quan đến vấn đề này còn chậm…
Đó là thực tế. Từ lãng phí thời gian, cơ hội, nhân lực, đến lãng phí những nguồn lực hữu hình là tài chính công, tài sản công… Điều này đã được chính Quốc hội chỉ ra, khi thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Ví như về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Còn về tài sản công, có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Đặc biệt, vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là 242.082 triệu đồng. Nhìn vào những “con số biết nói” đó để thấy sự lãng phí nguồn lực rất lớn.
Trong báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng cho thấy vấn nạn lãng phí len lỏi, tồn tại dai dẳng. Với cấp huyện, Chính phủ cho biết có 359 trụ sở làm việc phải sắp xếp, trong đó dôi dư 109 trụ sở. Tính đến tháng 5/2024, còn 52 trụ sở (gần 48%) chưa được xử lý. Còn tại cấp xã hiện dôi dư 755 trụ sở và còn tới 297 trụ sở (gần 40%) chưa được xử lý. Chính phủ đánh giá việc bố trí, sử dụng các trụ sở dôi dư chưa hiệu quả. Hay nói cách khác, đây chính là biểu hiện của lãng phí, như Đảng ta đã nhận diện và Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả; trong đó có sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước…”
Vấn nạn lãng phí được biểu hiện cụ thể ra sao, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua như thế nào, Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đăng tải trong các kỳ tiếp theo./.