Bài 4: "Khát" nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam

T.LONG - N.LỘC - N.HỒNG | 25/04/2024 06:40

(BKTO) - Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025), cùng với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu đang khẩn trương đưa vào khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn những bất cập, rào cản trong vấn đề này, gây trở ngại cho việc thi công tuyến giao thông huyết mạch...

13.jpg
Nhà thầu vẫn đau đầu với nguồn cung vật liệu cho thi công cao tốc. Ảnh: N.LỘC

Cao tốc “ngóng” vật liệu…

Trong không khí khẩn trương, tại công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhiều đoạn, tuyến đã cơ bản thành hình. Tuy nhiên, chủ đầu tư, nhà thầu vẫn canh cánh nỗi lo về tiến độ của Dự án, khi “điểm nghẽn” vật liệu cho cao tốc chưa thể khơi thông. “Tại nhiều điểm, đơn vị phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa “ngóng” vật liệu, cũng như thông tin từ địa phương” - đại diện một nhà thầu của dự án cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Chí - Chỉ huy trưởng gói thầu XL01 (đơn vị thi công tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua Quảng Ngãi) - cho biết, do chưa đảm bảo đất đắp ở vị trí gần với địa điểm thi công, Ban điều hành dự án phải tạm thời điều đất từ mỏ Mễ Sơn, huyện Nghĩa Hành phục vụ thi công với quãng đường vận chuyển 22km. Điều này không chỉ làm tăng hơn 3,5 lần so với dự toán, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành để kịp thời xử lý giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXD; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp…

Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ

Nỗi lo về vật liệu cho Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã được đại diện chủ đầu tư phản ánh với Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành V - đơn vị đang thực hiện kiểm toán tại Dự án này. Theo đó, cả ba nguồn vật liệu (cát, đá, đất) phục vụ cho Dự án hiện đều gặp khó khăn. Đơn cử tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện cần khoảng 7,9 triệu m3 đất. Tuy nhiên, trữ lượng các mỏ khai thác được báo cáo là vẫn thiếu. “Đối với 1,9 triệu m3 còn lại, đơn vị đang làm thủ tục xin bổ sung thêm 3 mỏ nằm ngoài danh mục mỏ vật liệu xây dựng (VLXD)cấp cho Dự án với trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3, phần còn thiếu khoảng 0,8 triệu m3 hiện đang báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hạ cost nâng trữ lượng cho các mỏ đã cấp cho nhà thầu khai thác” - Giám đốc quản lý Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn Bùi Nhật Hiển cho biết.

Đây là minh chứng điển hình về tình trạng thiếu vật liệu cho triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 17,1 triệu m3 đá; khoảng 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp. Đến nay, đối với nguồn vật liệu cát, các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3; trong đó, nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình thiếu 1 triệu m3. Về vật liệu đất đắp, so với nhu cầu của dự án còn thiếu khoảng 3 triệu m3. Nan giải hơn cả là nguồn vật liệu đá, với khối lượng còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3.

Tình trạng thiếu vật liệu không chỉ xảy ra với các dự án cao tốc khu vực phía Bắc mà ở khu vực phía Nam, vấn đề cát đắp nền cũng làm “đau đầu” nhà thầu. Điển hình như tại dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, qua kiểm tra tình hình thi công tại Dự án này tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc thiếu hơn 3 triệu m3 cát đắp nền là thách thức rất lớn để đảm bảo tiến độ Dự án và cần sớm được tháo gỡ.

Không chỉ đối diện với nỗi lo thiếu vật liệu, nguồn vật liệu không đảm bảo chất lượng, những bất cập về giá các loại vật liệu (cát, đá, đất…) do địa phương công bố không theo kịp giá thị trường... khiến các nhà thầu phải mua vật liệu với giá rất cao, phải bù lỗ lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “biết lỗ vẫn phải làm”.

Hưởng cơ chế đặc thù, song vẫn gặp khó…

Theo Bộ GTVT, so với giai đoạn 1, Dự án cao tốc giai đoạn 2021-2025, việc khai thác VLXD đã thuận lợi hơn khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ - cho phép nhà thầu thi công chỉ phải lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, không phải thực hiện các thủ tục lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép khai thác… Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vấn đề này vẫn phát sinh bất cập.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, đại diện một nhà thầu đang thi công dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam cho biết, nhà thầu rất vất vả khi tiếp cận nguồn vật liệu đắp do thủ tục khai thác mỏ còn rườm rà; doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với chủ sở hữu đất, cũng như việc xác định giá vật liệu tại mỏ… Thông tin với Đoàn kiểm toán về khó khăn đối với nguồn vật liệu tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GTVT) cũng cho biết, nhiều mỏ vật liệu được giao nhà thầu khai thác mới theo cơ chế đặc thù, nhưng còn những trở ngại nhất định. Đơn cử, tại tỉnh Bình Định, một số mỏ đất đã được tỉnh cấp phép khai thác nhưng lại gặp vướng mắc trong việc thỏa thuận giá bồi thường, các thủ tục liên quan đến xây dựng tuyến đường tiếp cận mỏ, chi phí phát cây cối, chi phí bóc tầng phủ, vận chuyển tập kết tầng phủ…

Liên quan đến vấn đề này, PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - cho rằng, định mức xây dựng được quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành có nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế; nhiều nội dung chưa có trong hệ thống định mức hiện hành, chưa có hướng dẫn thực hiện, như: Các định mức khai thác, chế biến VLXD… “Khi cơ chế đặc thù đã được ban hành, tạo thuận lợi tối đa cho triển khai cao tốc Bắc - Nam; điều quan trọng là các Bộ, ngành, đặc biệt là địa phương cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì việc chung để quyết liệt tháo gỡ khó khăn” - ông Chủng nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, việc nhiều dự án cao tốc bị chậm tiến độ do thiếu VLXD cho thấy công tác chuẩn bị cho dự án còn bất cập và sự phối hợp giữa các ngành, địa phương còn lỏng lẻo. Để tháo gỡ tình trạng này, cần phải thực hiện quy hoạch mỏ khoáng sản phục vụ dự án ngay từ sớm, cũng như điều chỉnh quy hoạch, tạo thuận lợi cho nhà thầu được khai thác mỏ kịp thời…

Khắc phục “điểm nghẽn” về vật liệu cho cao tốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cũng như đẩy nhanh các thủ tục về đấu giá, cấp phép vật liệu san lấp trên địa bàn. “Chúng tôi cũng đề xuất xem xét mỏ đất san lấp là một hạng mục cấu thành của dự án. Khi đó, theo Luật Đất đai, chúng ta được quyền thu hồi đất thuận lợi hơn” - Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Tiến cho biết.

Rõ ràng, khi tiến độ triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam được tính từng ngày, từng tháng để kịp về đích, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần được đảm bảo tối đa các điều kiện cần thiết, trong đó có vấn đề nguyên vật liệu thi công. Đặc biệt, khi Quốc hội, Chính phủ đã “trao” các cơ chế đặc thù cho triển khai dự án thì điều quan trọng nhất là các Bộ, ngành, nhất là các địa phương có dự án đi qua cần vào cuộc rốt ráo hơn, trách nhiệm hơn, nhận diện và giải quyết ngay rào cản, để các cơ chế đặc thù thực sự phát huy hiệu quả trong xây dựng tuyến cao tốc huyết mạch.

Kính mời độc giả đón đọc "Bài cuối: Cao tốc Bắc - Nam: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc"./.

Cùng chuyên mục
Bài 4: "Khát" nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam