BÀI 4: LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG: CHƯA CÓ HỒI KẾT

(BKTO) - Được xác định là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư công luôn được Chính phủ đặc biệt chú trọng và dành nguồn vốn ngân sách khổng lồ. Tuy nhiên, câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ, giải ngân thấp, công trình “đắp chiếu”... diễn ra bấy lâu nay cho thấy những bất cập trong quản lý, triển khai đầu tư công khiến cho lĩnh vực này trở thành một trong những điển hình về tình trạng thất thoát, lãng phí kéo xuyên qua nhiều thập kỷ…

Đội vốn, chậm tiến độ làm thất thoát nguồn lực đầu tư

Được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt cho giao thông đô thị, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826,05 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đến nay đã trở thành tâm điểm xấu, khi liên tục trễ hẹn và đội vốn. Dự án được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

chum-5-anh-2.png
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực yêu cầu đưa các dự án có dấu hiệu lãng phí lớn vào diện theo dõi, chỉ đạo của Trung ương như: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh; các Dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành…

Tuy nhiên, đến tận tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao dài 8,5 km mới được chính thức đưa vào vận hành thương mại. Tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 18.000 tỷ đồng lên gần 35.000 tỷ đồng. Đây là 1 trong 5 dự án của TP. Hà Nội sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) hoặc vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kéo dài thời gian thực hiện, đội vốn cũng là tình trạng xảy ra tại nhiều dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn công thời gian qua đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ.

a3.jpg
Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, KTNN đã chỉ ra nhiều vi phạm và yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật

Điển hình như thông qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn kiểm toán đã chỉ ra tổng mức đầu tư điều chỉnh còn xác định thừa chi phí quản lý dự án công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; điều chỉnh tăng 0,5% chi phí phục vụ công tác bồi thường không đúng quy định với số tiền16.690,8 triệu đồng.

Quán triệt Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức khởi tố vụ án để điều tra làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư).

tsc-3.jpg

Cụ thể, Dự án bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, lãng phí sẽ được cơ quan điều tra làm rõ đến tận cùng để xử lý đúng người, đúng tội. Song điều quan trọng hơn, việc khởi tố vụ án gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hàng loạt dự án khác đang để xảy ra lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta: Nhân văn, nhưng cũng rất quyết liệt trong việc loại bỏ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo TS. Đinh Văn Minh - nguyên Vụ trưởng, Thanh tra Chính phủ, tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng ta đều xác định: Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lớn hơn cả tham nhũng vì không đong đếm được, diễn ra phổ biến, âm ỉ và gây xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” cho thấy không có vùng cấm trong xử lý lãng phí, đặc biệt là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều tiêu cực như ĐTC.

Chậm giải ngân và gánh nặng… lãi vay

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân một đồng vốn ĐTC sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời, giải ngân vốn ĐTC tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng một điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm.

tran-linh-sam.png

Bởi thế, việc giải ngân vốn ĐTC luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng “có tiền không tiêu được” vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết; dẫn đến hệ lụy là lãng phí nguồn vốn, cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Kết quả kiểm toán năm 2023 của KTNN cho thấy, có tới 44 dự án nguồn ngân sách trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hoặc hủy bỏ với tổng số vốn là 2.029 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu bật tình trạng, một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong năm, phải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 của 79 dự án với tổng số đề xuất kéo dài 2.335,732 tỷ đồng.

Với nguồn vốn ODA, kết quả kiểm toán cũng cho thấy một tình trạng tương tự. Chẳng hạn, một số dự án thuộc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng không phát sinh giải ngân hoặc chậm giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có tới 10 dự án không phát sinh giải ngân; 08 dự án tỷ lệ giải ngân < 50% kế hoạch; Ngân hàng Vietinbank có tới 105/146 công trình được phê duyệt kế hoạch vốn trong năm 2022 nhưng chỉ giải ngân chưa đến 50% hoặc không giải ngân.

Kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 chỉ rõ số dự án chậm tiến độ gần như tăng dần qua các năm (năm 2016 có 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609, năm 2018 là 1.778, năm 2019 là 1.878, năm 2020 là 1.867 và năm 2021 là 1.962).
Dự án có thất thoát, lãng phí cũng được công khai tương ứng với 6 năm trên là 590, 840, 422, 125, 923 và 185. Ngoài ra, hàng nghìn dự án sử dụng vốn nhà nước phải điều chỉnh đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

bieu-do.png
Biểu đồ thể hiện các dự án gây thất thoát lãng phí theo kết quả giám sát của Quốc hội.

Để huy động nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thời gian qua, Nhà nước cũng đã huy động nguồn kinh phí rất lớn từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), đầu tư cho các công trình giao thông, y tế, giáo dục,… Từ chỗ được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế đất nước cũng như phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ, qua thực tiễn triển khai lại cho thấy, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này cũng còn không ít bất cập, kém hiệu quả.

Đơn cử, tại Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1392-Km1405 và Km1425-Km1445; đoạn Km1445+000-Km1488+000, tỉnh Khánh Hòa xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác; thiết kế, dự toán chưa hợp lý làm lãng phí vốn đầu tư; phân bổ chỉ tiêu kế hoạch vốn cho các dự án dư thừa trong khi Chính phủ phải trả lãi... Qua kiểm toán cho thấy, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư hơn 164,4 tỷ đồng.

thu-tuong.png

Theo đánh giá của KTNN, tổng chỉ tiêu vốn được giao của các dự án bị dư thừa gần 719,2 tỷ đồng. “Với mức lãi suất huy động vốn TPCP năm 2015 là 6%/năm, tính trên số dư thừa vốn cuối năm 2015 là 514,5 tỷ đồng, trong thời gian khoảng 8 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9/2016) thì số tiền lãi Chính phủ phải trả là gần 20,6 tỷ đồng” - Báo cáo kiểm toán nêu, đồng thời chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) và các cơ quan có liên quan.

Dấu hiệu lãng phí vốn TPCP cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra qua thanh tra việc thực hiện một số dự án sử dụng TPCP còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua đoạn Tây Nguyên năm 2022. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn tiếp tục còn dư cho 8 dự án chưa đủ điều kiện theo quy định. Tại dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1 (giai đoạn II), Bộ Giao thông vận tải giao vốn cho dự án vượt nhu cầu dẫn đến tồn đọng vốn đến thời điểm thanh tra là 926.579 triệu đồng…

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ khiến lãng phí tăng lên. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng. “Vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt” - ông Thiên nhấn mạnh.

unnamed-1705406790899-8514-5353.jpg

Vốn TPCP là nguồn vốn vay công, khi các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn này triển khai chậm sẽ tạo ra sự lãng phí, thậm chí phải trả oan tiền lãi. Trong bối cảnh ngân sách không đủ đáp ứng thì việc huy động nguồn vốn vay từ TPCP là đúng đắn. Tuy nhiên, cơ chế vay, lãi suất vay, trả như thế nào thì chưa rõ và với tiền lệ các dự án đầu tư công chậm giải ngân như vừa qua thì cần tính toán để tránh tăng thêm gánh nặng nợ công. Đề nghị KTNN phải vào cuộc ngay từ khi có chủ trương đầu tư, xây dựng phương án tìm vốn, công tác huy động vốn, sử dụng vốn, trả nợ…, để có những phản biện chính xác, tránh trường hợp huy động vốn xong để đó chờ giải phóng mặt bằng rồi đội giá…

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch thường được kể đến vẫn là vướng mắc về thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu, thiếu vật tư, thiết bị… Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là công tác tổ chức thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương bất cập; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ, gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Những công trình nghìn tỷ "đắp chiếu" chậm đưa vào sử dụng

Cùng với đội vốn, chậm tiến độ, giải ngân thấp, đầu tư kém hiệu quả, việc chậm trễ trong triển khai, đưa dự án vào hoạt động cũng được xác định một dạng lãng phí trong ĐTC. Hàng loạt dự án, công trình “trùm mền” “đắp chiếu” trơ gan cùng thời gian,được báo chí và các cơ quan chức năng “điểm mặt, chỉ tên” thời gian qua chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự lãng phí.

Nằm sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công từ năm 2009, xây dựng trên diện tích 40.000m2. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN với tổng chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô 6 hạng mục tòa nhà cao tầng, hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, dự án chậm đưa vào sử dụng, chưa được khai thác hết hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước.

ha-noi-can-canh-khi-nha-o-sinh-vien-phap-van-cau-gie_5_of_45-1-.jpg
ha-noi-can-canh-khi-nha-o-sinh-vien-phap-van-cau-gie_22_of_45.png
duong.png

Hay như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động - cũng là ví dụ điển hình đã được Tổng Bí Thư Tô Lâm nhắc đến và khiến dư luận nhân dân bức xúc bởi sự lãng phí.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, tình trạng chậm tiến độ diễn ra phổ biến tại nhiều dự án ĐTC, cá biệt, có trường hợp chậm trên 10 năm. Bên cạnh đó, KTNN cũng phát hiện, công tác nghiệm thu, giải ngân, thanh toán, quyết toán tại các dự án còn nhiều thiếu sót như: nghiệm thu thanh toán các thiết bị khi chưa lắp đặt, chưa đảm bảo điều kiện, chưa đúng theo hợp đồng; thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp...

Đơn cử, tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết), khối lượng phát sinh lớn hơn 20% khối lượng hợp đồng, công việc mới chưa có trong hợp đồng; việc tính trượt giá chưa phù hợp với quy định của hợp đồng làm tăng chi phí 4,05 tỷ đồng… Tại Bộ Công Thương, quá trình triển khai phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công và giải ngân ĐTC năm 2022 không hoàn thành kế hoạch vốn đã giao và là một trong những Bộ, ngành bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Riêng 3 dự án lập quy hoạch (quy hoạch điện; năng lượng và thăm dò, khai thác khoáng sản) đạt 0% kế hoạch ĐTC năm 2022 điều chỉnh.

db-thong2.png

Sốt ruột trước tình trạng này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) nhận định, dù chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí từ các dự án “trùm mền”, công trình “đắp chiếu” trên cả nước; nhưng con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

“Đó cũng mới là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí hệ lụy xoay quanh nó như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông trăn trở.

Báo cáo tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 12/11, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc giải ngân vốn ĐTC còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29%, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 Bộ, ngành và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%...

Nhận diện rõ vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư công và xử lý nghiêm vi phạm.

Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt: Phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân. Trước mắt cần rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn” - Tổng Bí thư yêu cầu.

Quan điểm của Tổng Bí thư là một thông điệp mạnh mẽ, lời hiệu triệu sâu sắc để cả hệ thống chính trị cùng nhìn lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội, cũng như nhận thức về trách nhiệm trong việc đẩy lùi lãng phí.

Đâu là “liều thuốc” hiệu quả để trị “bệnh” lãng phí. Vấn đề này sẽ được Báo Kiểm toán đề cập cụ thể trong bài cuối.

BÀI 1. HỒI “TRỐNG LỆNH” PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ

BÀI 2: NHÂN LỰC - NGUỒN LỰC “VÀNG” ĐANG BỊ LÃNG PHÍ

BÀI 3: “ĐẤT KHÓC, NGƯỜI THAN” VÌ LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI

BÀI CUỐI: CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, THƯỜNG XUYÊN

bai4.png

Bài liên quan
  • Cần giữ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng, sản xuất, buôn bán thuốc giả
    (BKTO) - Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Tại Phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo ngại trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh như sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô, tham nhũng…
    Phát huy vai trò “thanh bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
    (BKTO) - Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động kiểm toán, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt công tác này, qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của KTNN trong hệ thống chính trị là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong PCTNLPTC.
Cùng chuyên mục
  • Bài 3: “Đất khóc, người than” vì lãng phí đất đai
    7 tháng trước Emagazine
    (BKTO) - Trụ sở 2.000 m2 đất vàng giữa TP. Đông Hà (Quảng Trị) bị bỏ hoang, 8 năm chờ “sắp xếp tổng thể”. Câu chuyện trên được đại biểu Quốc hội mang đến nghị trường Quốc hội cùng với hàng loạt những bất cập trong sử dụng đất đai, trụ sở công cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai - tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Đã đến lúc, tình trạng này cần phải chấm dứt, nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, ông “hết sức sốt ruột” và “phải có ai chịu trách nhiệm” cho vấn đề lãng phí.
  • Bài 2: Nhân lực - nguồn lực “vàng” đang bị lãng phí
    7 tháng trước Emagazine
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...” cho thấy chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực là nhất quán, xuyên suốt. Song thực tiễn cho thấy, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này ở cả khối công và tư còn bất cập, lãng phí, gây rào cản lớn tới sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên “vươn mình”.
  • Lãng phí là có tội với dân
    7 tháng trước Emagazine
    (BKTO) - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng về chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì chống lãng phí đã được Đảng ta nhận diện và xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần: Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Nhớ mãi cuộc kiểm toán hợp tác năm ấy
    một năm trước Emagazine
    (BKTO) - Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công có lẽ là một trong số rất nhiều cuộc kiểm toán đáng nhớ trong hành trình 30 năm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Một cuộc kiểm toán với những hành trình thấm đượm bao gian nan, vất vả; những hành trình góp phần nâng tầm hợp tác, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam trong cộng đồng ASOSAI...
  • Tháng Tư, ngược dòng Tây Đô giữa sắc đỏ cờ hoa
    một năm trước Emagazine
    (BKTO) - Những góc phố thị khang trang, những tòa nhà cao tầng và cả những đại lộ giao cắt đan xen dọc ngang thành phố, đời sống của người dân ngày càng ấm no, sung túc… Đó là diện mạo của Cần Thơ - mảnh đất Tây Đô đã đi vào thi ca, nhạc họa, điện ảnh, mảnh đất đang từng bước khẳng định là cửa ngõ giao thương, kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.
Bài 4: Lãng phí đầu tư công: Chưa có hồi kết