(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) xác định Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” là cơ hội để nhìn nhận rõ những bất cập, vướng mắc trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị.

dsc_8029.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ đạo các đơn vị kiểm toán tập trung nguồn lực chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên giải trình. Ảnh: N. LỘC

Tích cực, trách nhiệm chuẩn bị cho Phiên giải trình

Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động kiểm toán của KTNN luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý và toàn xã hội

.

Ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động và đóng góp tích cực của KTNN, song tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng trăn trở khi hằng năm vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các kiến nghị, kiểm toán chưa được thực hiện, thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách chưa nghiêm. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Xuất phát từ yêu cầu đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 27/3/2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1709/KH-UBTCNS15 về tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”.

Triển khai thực hiện Kế hoạch này, với trách nhiệm của cơ quan giải trình, KTNN đã tích cực, tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị các nội dung phục vụ Phiên giải trình. 

bai-7.jpg
Lần đầu tiên KTNN tổ chức một cuộc tổng rà soát trên quy mô toàn quốc về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: N. LỘC

“Đây là lần đầu tiên KTNN tổ chức một cuộc tổng rà soát trên quy mô toàn quốc, với hàng trăm cuộc kiểm toán diễn ra từ nhiều năm trước. Do đó, tính chất phức tạp của công tác rà soát buộc các đơn vị phải tập trung cao để đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc” - ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) chia sẻ.

Đồng thời, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, kết quả thu được từ công tác rà soát chính là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các đơn vị kiểm toán, từng kiểm toán viên tham gia vào nhiệm vụ này để chuẩn bị cho một Phiên giải trình chất lượng, ý nghĩa.

Đặc biệt, KTNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, làm việc với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kế hoạch, công tác chuẩn bị cho Phiên giải trình; hoàn thiện báo cáo của KTNN và các thông tin cần chuẩn bị bổ sung.

KTNN và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung, cách thức, phạm vi, đối tượng, thời gian tổ chức Phiên giải trình, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tạo được dấu ấn. Sau phiên giải trình phải chỉ ra được những vấn đề tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân, bản chất vấn đề để giải quyết triệt để các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng; cũng như có giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Cùng với báo cáo giải trình của KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã có công văn gửi KTNN, các Bộ, ngành, địa phương (214 đầu mối) yêu cầu báo cáo chuẩn bị tài liệu phục vụ phiên giải trình. Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã tổ chức khảo sát trực tiếp và đôn đốc việc báo cáo, rà soát thông tin báo cáo để có căn cứ, cơ sở đầy đủ phục vụ phiên giải trình.

Kỳ vọng sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Trên quan điểm "cần đi đên cùng" những kết luận, kiến nghị kiểm toán, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kỳ vọng, Phiên giải trình sẽ đạt được mục tiêu làm rõ trách nhiệm của các bên; làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng tồn đọng kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện. Trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả để giải quyết triệt để, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự bất cập, thiếu rõ ràng của hệ thống pháp luật.

Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, tại Phiên giải trình này, một lần nữa sẽ công khai kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc công khai này là biện pháp rất hiệu quả để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để tồn đọng, chưa xử lý kết luận, kiến nghị KTNN; buộc các cơ quan, đơn vị phải có biện pháp, giải pháp quyết liệt để thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

 Mục tiêu cuối cùng là phải làm sao để thực hiện triệt để các kiến nghị kiểm toán. Và mục tiêu sâu xa hơn đó chính là nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán - một kênh rất quan trọng để giúp cho Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ngoài ra, các bên cũng nhìn nhận các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; là cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phiên giải trình sẽ là cơ hội cho các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, hệ thống chặt chẽ hơn những việc đã làm được, chưa làm được cũng như những việc còn tồn tại cần xử lý. Qua phiên giải trình, các vấn đề đã được KTNN chỉ ra và giải trình của đơn vị được kiểm toán, ý kiến đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách có thể làm rõ về thực trạng, nguyên nhân của những bất cập và giải pháp khắc phục.

Còn với KTNN, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiểm toán thời gian qua, KTNN đã từng bước đổi mới, có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những bất cập trong công tác này.

Trước đây, công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo cách làm thống kê, tổng hợp, dẫn đến khó theo dõi được đầy đủ. Từ năm 2015, KTNN đã đưa vào sử dụng Phần mềm Quản lý tiến độ kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Việc áp dụng phần mềm này đã mang lại những giá trị thiết thực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN; đảm bảo theo dõi đầy đủ quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: Phiên giải trình là dịp rất tốt để KTNN nhìn lại mình, để thấy còn nhiều việc cần phải làm để hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm toán.

“KTNN sẽ giải trình rõ trách nhiệm của mình trong công bố kết luận, kiến nghị kiểm toán và trách nhiệm trong đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải trình rõ nguyên nhân đối với các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện cũng như thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm của Ngành” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, Phiên giải trình cũng sẽ là dịp để mỗi Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đó có thể coi là một trong những vấn đề “gốc rễ” để việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn; để không còn những kiến nghị kiểm toán phải “treo” kéo dài và phải đưa ra giải trình...

Cùng chuyên mục
Bài 7: Sẵn sàng cho Phiên giải trình