Bài cuối: Chú trọng giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa

(BKTO) - Đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, Đảng, Nhà nước ta xác định việc tăng cường đầu tư cho văn hóa phải đi đôi với kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Những phát hiện, đánh giá được chỉ ra qua kiểm tra, kiểm toán đã cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát; từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và phòng ngừa sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực dành cho văn hóa.

8.jpg
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước” như Văn kiện Đại hội XIII đã xác định. Ảnh: Báo Dân tộc

Quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa qua góc nhìn kiểm toán

Với vai trò là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thời gian qua Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đã đánh giá việc quản lý, sử dụng nguồn lực dành cho lĩnh vực văn hóa trên nhiều khía cạnh, từ công tác chi đầu tư xây dựng, đào tạo, bảo tồn di tích… thông qua công tác kiểm toán hằng năm. 

Không chỉ đưa ra những đánh giá chung về việc quản lý, sử dụng nguồn lực dành cho văn hóa, KTNN còn thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên sâu về các chương trình, đề án phát triển văn hóa. Đơn cử, thông qua hoạt động kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, KTNN đã chỉ ra những kết quả đạt được từ việc thực hiện chương trình. Theo đó, cơ bản các chủ đầu tư đã thực hiện việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư theo đúng trình tự. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hầu hết các dự án thực hiện đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian thực hiện và đội vốn, từ đó làm giảm hiệu quả của nguồn lực đầu tư...

dsc_4885.jpg
Thời gian qua, KTNN đã chú trọng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa

Đặc biệt, qua kiểm toán cũng cho thấy việc triển khai, sử dụng nguồn vốn được cấp cho trùng tu di tích (nội dung chiếm phần lớn nguồn vốn của chương trình mục tiêu về văn hóa) tại các địa phương tồn tại nhiều bất cập, thậm chí sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Cụ thể, hầu hết địa phương được kiểm toán đều điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác không đúng quy định. Một số địa phương tự ý cắt giảm kinh phí của các dự án thuộc Chương trình để phân bổ cho một số dự án không thuộc đối tượng. Thậm chí, một số địa phương còn có sử dụng sai mục đích cấp kinh phí cho các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế...

Ngoài ra, KTNN cũng thực hiện kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Đơn cử như giai đoạn 2015-2017, đối với dự án vốn vay Bộ đã cơ bản thực hiện công tác xây dựng, phân bổ vốn ODA theo quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, việc phê duyệt, thông báo kế hoạch vốn hàng năm và điều chỉnh kế hoạch chậm, gây ảnh hưởng đến tính chủ động, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao dự án (một số dự án: Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; Xây dựng ứng phó quốc gia đối với bạo lực gia đình”...). Trong khi đó, việc tổ chức kiểm tra, giám sát của Bộ đối với các dự án còn chưa được chú trọng; Bộ chưa thực hiện đánh giá sau đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA...

       Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hoá đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa.

- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định - 

Theo kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III trực tiếp tham gia đôn đốc tình hình thực hiện kiến nghị, cơ bản các kiến nghị KTNN chỉ ra đã được đơn vị, địa phương tiếp thu thực hiện. Điều đó cho thấy, hoạt động kiểm toán đang góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của các chủ thể liên quan, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa. 

Từ đánh giá kiểm toán đến vai trò giám sát của các cấp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa

Cùng với sự tham gia giám sát tích cực của các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN, thời gian qua, để có những đánh giá về thực trạng đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp tại các địa phương cũng chú trọng thực hiện giám sát, qua đó góp phần tăng cường tiếng nói của nhân dân trong công tác này.

Điển hình như vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức giám sát tình hình và kết quả triển khai thực hiện việc quy hoạch các thiết chế VH, TT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021. Theo Phó Trưởng ban Ban văn hóa - xã hội Hoàng Trọng Bửu, việc giám sát được thực hiện đồng bộ trên các mặt: tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về VH, TT; thực trạng hệ thống thiết chế VH, TT; công tác xã hội hóa… Qua giám sát, đoàn giám sát đã chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân và có kiến nghị cụ thể đối với UBND tỉnh, Sở VH, TT và các địa phương trong việc: Nghiên cứu tham mưu để HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển VH, TT, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển thiết chế VH, TT cơ sở; hỗ trợ đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả các thiết chế VH, TT... 

chu-trong-dau-tu-thiet-che-van-hoa-the-thao-1.jpg
Tăng cường vai trò giám sát của các cấp, giúp nâng cao cơ hội tiếp cận, thụ hưởng thiết chế văn hóa cho người dân các vùng miền.
Ảnh: quangninh.gov.vn

Còn theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc, nguồn lực dành cho văn hóa luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm đầu tư, giám sát thực hiện, từ cấp ủy, HĐND, chính quyền đến các tổ chức xã hội. Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh cũng như tổ chức Mặt trận các cấp đã tổ chức nhiều đợt giám sát và có kiến nghị cụ thể, được chính quyền các cấp chấn chỉnh. Trong quá trình giám sát, các kết quả, đánh giá của KTNN cũng đã được xem xét và đề nghị địa phương tiếp thu, theo kiến nghị kiểm toán. 

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch thiết chế VH, TT, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH, TT, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình, lồng ghép thực hiện các nội dung xây dựng thiết chế VH, TT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Đơn cử, việc đầu tư xây dựng công trình văn hóa dành cho đồng bào dân tộc thiểu số còn những bất cập, thể hiện ở việc các công trình ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán tại đây. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội.

        Ngành Văn hóa ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thanh tra, kiểm toán về lĩnh vực VH,TT&DL và coi đây là kênh thông tin quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành chung; cũng như xem xét chấn chỉnh bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa. Thông qua các đánh giá, kiến nghị kiểm toán về bất cập trong chính sách dành cho văn hóa cũng giúp các cơ quan Trung ương xem xét điều chỉnh, tạo điều kiện cho ngành văn hóa phát huy được vai trò, sứ mệnh đã được Đảng, Nhà nước giao.

 - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng - 

Để khắc phục tình trạng này, thay vì đầu tư dàn trải, cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí ngày càng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát đối với việc sử dụng nguồn lực đầu tư dành cho văn hóa cả trên các góc độ: đảm bảo đúng, đủ nguồn lực đầu tư; cũng như đảm bảo các chương trình dự án được triển khai hiệu quả. “Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống, trong đó có các cơ quan thanh tra, kiểm tra, KTNN cần tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát để đảm bảo các nguồn lực dành cho văn hóa được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả” - đại biểu Sơn nhấn mạnh; đồng thời đánh giá cao vai trò của KTNN đối với công tác giám sát nguồn lực cho văn hóa thời gian qua và khẳng định những thông tin của KTNN là nguồn tin tin cậy cho đại biểu Quốc hội khi tiến hành giám sát, đánh giá. 

Có thể nói, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa vẫn cơ bản đảm bảo và điều này càng trở nên đáng quý. Do đó, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư, cũng như người dân thụ hưởng chính sách cần phải trân trọng, sử dụng đúng mục đích; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư từ đó để văn hóa thực sự trở thành “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Cùng chuyên mục
  • Nhiều bộ phim đặc sắc được sản xuất, trình chiếu nhân Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)
    một năm trước Xã hội
    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam", sẽ tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhân kỷ niệm ngày thành lập Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với báo chí về chặng đường 28 năm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nhiều trọng trách nhưng cũng không ít vinh dự, tự hào của Ngành.
  • Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
    một năm trước Xã hội
    Theo kết luận của Bộ Chính trị, cả nước sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, với mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng tình cao với chủ trương của Đảng, nhiều ý kiến cũng đề nghị các địa phương cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn cán bộ sau sắp xếp để đảm đương tốt nhiệm vụ, có giải pháp khơi dậy sự sáng tạo của cán bộ, công chức...
  • Rộng mở nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động có tay nghề
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2023, thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho lao động có tay nghề cũng hứa hẹn rộng mở những cơ hội khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
  • Ecopark – nơi thiên nhiên hòa quyện vào cuộc sống của con người
    một năm trước Xã hội
    Đô thị Ecopark giống như một mảng rừng tươi xanh, con người được sống trong sự bao bọc, chở che của thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, cỏ cây là người bạn gần gũi, giao hòa, “giao cảm” với con người.
Bài cuối: Chú trọng giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực cho văn hóa