Bảo đảm minh bạch, tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

(BKTO) - Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình phương án tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam song cần sửa đổi, bổ sung quy định để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ này.

120420230257-z4258427067914_a3302dca6ab01e7b8dd740d2e1d61c5f.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày Tờ trình Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Lý do là, trong giai đoạn tới, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập thành hạ tầng của nền kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số thì cần một nguồn kinh phí rất lớn để phát triển và duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương.

Theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước (91 nước) vẫn duy trì Quỹ phục vụ cho các hoạt động viễn thông vì mục tiêu công cộng.

Mặt khác, theo ông Long, nguồn tài chính do doanh nghiệp viễn thông đóng góp vào Quỹ, sau đó thông qua các Chương trình viễn thông công ích trong từng giai đoạn lại được chi cho các doanh nghiệp để thực hiện đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Về bản chất, thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân ngày càng cao.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của Quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư Quỹ.

Thẩm tra Dự án Luật, liên quan đến nội dung này, trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang có 02 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những kết quả, mặt tích cực của mục tiêu Quỹ trong thời gian qua là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để bảo đảm tính linh hoạt và kịp thời trong việc triển khai các hoạt động viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số giữa các vùng miền.

Hoạt động của Quỹ đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007; phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới. Vì vậy, đề nghị cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần đánh giá đầy đủ về các khoản đóng góp vào Quỹ và các nhiệm vụ chi của Quỹ.

Theo loại ý kiến này, khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất “thuế” bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước (NSNN); tổng nguồn thu lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy.

Hơn nữa, việc đề ra cơ chế thu dẫn đến tồn Quỹ lớn, trong khi NSNN còn thiếu hụt và phải điều tiết nguồn thu của Quỹ về NSNN là chưa phù hợp.

Hiện nay, dịch vụ viễn thông cơ bản phủ sóng rộng khắp; việc đóng góp Quỹ được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông có thu nhập, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động có lãi sẽ là chưa thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục thanh quyết toán đối với các nhiệm vụ chi này cũng có những khó khăn. Vì vậy, đề nghị xem xét, cân nhắc bỏ Quỹ này.

Căn cứ vào kết quả của các cuộc khảo sát thực tế tại địa phương về các hoạt động viễn thông công ích, phân tích, đánh giá 02 loại ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị, Dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ này.

Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông “công ích” và các quy định của pháp luật về NSNN.

120420230337-z4258561656961_2a75252bb4d85ae0a56b8d65f92584b7.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị quy định rõ cơ chế quản lý, thu, chi Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Ảnh: VPQH

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình quan điểm cần duy trì hoạt động của Quỹ song Dự thảo Luật cần có những quy định cần khắc phục những bất cập về quản lý, sử dụng quỹ trong thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị, cần đánh giá đầy đủ về các khoản đóng góp vào Quỹ và các nhiệm vụ chi của Quỹ. Nếu duy trì hoạt động của Quỹ này thì cần làm rõ Quỹ này do ai quản lý, có cơ chế quản lý thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi, khi nào chi, ai chi, chi để làm gì, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong vận hành Quỹ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo đánh giá sự cần thiết, hiệu quả hoạt động của Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam trong thời gian qua, chỉ quy định trong luật về Quỹ khi có đầy đủ cơ sở, căn cứ thuyết phục, thống nhất với các luật chuyên ngành. Nếu cần thiết phải quy định về Quỹ trong Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, mức thu, nhiệm vụ chi và đồng bộ, thống nhất với Luật NSNN, Luật phí và lệ phí./.

Cùng chuyên mục
Bảo đảm minh bạch, tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích