Bao quát toàn diện, thẳng thắn, trách nhiệm

(BKTO)- Trích đăng phát biểu kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN nội dung thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, NSNN hàng năm và cả nhiệm kỳ.



Trong 3 ngày thảo luận tại hội trường đã có 112 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 4 đại biểu phát biểu 2 lần, có 18 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 7 Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề liên quan.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

   

Nhìn chung, nội dung thảo luận bao quát toàn diện, đi sâu vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Một, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn, thậm chí còn nặng nề hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Với một nền kinh tế hội nhập sâu và có độ mở lớn, chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, cùng với những thiệt hại do thiên tai, bão, lũ trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều ý kiến đồng tình với dự báo tăng trưởng năm 2020 như Chính phủ dự kiến khoảng từ 2-3%.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa kịp thời, linh hoạt của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Đến nay, cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại đạt kết quả tích cực tạo đà thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội các năm tiếp theo. Đây là kết quả tích cực, rất ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm sâu, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Nhiều ý kiến đề nghị những tháng còn lại của năm 2020 Chính phủ và chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra. Giải quyết, tháo gỡ các hạn chế, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Nghiên cứu bổ sung các giải pháp để thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế, khẩn trương khắc phục, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, bão, lũ. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ của năm năm 2020...

Có ý kiến cho rằng, trong khi chưa có vaccine, dịch bệnh chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, cần đánh giá thận trọng hơn diễn biến, tác động của đại dịch. Cần có các kịch bản để ứng phó và cho rằng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% đòi hỏi cần nỗ lực phấn đấu rất cao. Đề nghị Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, giải quyết nợ xấu, nạn tín dụng đen, các dự án chậm tiến độ, các dự án thua lỗ, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm...

Hai, về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Các mục tiêu thu, chi cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công chuyển dịch tích cực; các chỉ tiêu về lao động, việc làm được đảm bảo, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân có bước cải thiện, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, truyền thông đều có những tiến bộ. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam; quốc phòng an ninh được giữ vững; hoạt động tư pháp, phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm được đẩy mạnh nhất là phòng chống tham nhũng, lãng phí, có chuyển biến mạnh; xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nền kinh tế số có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực; vấn đề môi trường được chú trọng hơn, hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sống.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã thực hiện có kết quả nhiệm vụ, cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt làm tốt 5 mục tiêu quan trọng liên quan đến quy mô nợ công, nợ Chính phủ, dư nợ thị trường trái phiếu, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, năng suất các nhân tố tổng hợp...

Các đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề như chất lượng cơ cấu lại nền kinh tế chưa thật vững chắc; công tác quy hoạch thực hiện quy hoạch chưa tốt; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cũng còn một số hạn chế nhất định, những hạn chế trong chính sách thu, tỷ lệ huy động và cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước; tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm nhất là đối với các dự án trọng điểm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính, quản lý tài sản, công, tài chính, công ty có một số tiến bộ nhưng còn chưa nghiêm, còn thất thoát và lãng phí…

Các đại biểu chia sẻ những mất mát, khó khăn của đồng bào và đề nghị cần tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả và phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, các đại biểu quan tâm tới hiệu quả các nhóm giải pháp ngắn hạn trước mắt và cơ bản lâu dài để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu thiên tai, nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc; tình trạng hồ đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ gây ô nhiễm, cạn kiệt, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Đề xuất sớm nâng mức hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng và hỗ trợ ngư dân bám biển…

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ, cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội…

Các đại biểu mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực khắc phục những tồn tại, bất cập, yếu kém trong thời gian tới. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân.

Ba, về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định theo nghị quyết. Công tác quản lý, điều hành khá tốt, đã ban hành được hệ thống cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kết quả đạt được Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là khá tích cực. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đó là củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn còn hạn chế. Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn còn chậm, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là ở vùng miền núi còn nhiều hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa đồng đều giữa các vùng, miền...

Bốn, về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, 15 mục tiêu cụ thể và 4 cân đối lớn theo báo cáo của Chính phủ, cũng như các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra để thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ cần tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 đến 7%. Chú trọng công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công cho giai đoạn tới, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, khắc phục được những hạn chế mà kế hoạch tài chính 5 năm trước đã nêu trong báo cáo. Có ý kiến cho rằng, một số chỉ tiêu đặt ra khá cao, cần được rà soát kỹ thêm.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội cơ bản thống nhất với Chính phủ về dự kiến tổng mức đầu tư đầu tư công giai đoạn tới. Đề nghị Chính phủ lưu ý việc bố trí vốn đầu tư công bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan như Nghị quyết 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp, các công trình ứng vốn giai đoạn trước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông có tính liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần lưu ý một số vốn cho một số dự án liên quan đến vấn đề phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu, quy hoạch, bố trí lại dân cư vùng bị tác động trực tiếp của thiên tai, xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp… trong kế hoạch và phát triển. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tạo điều kiện để có thể kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và thực hiện tốt việc phân cấp, giao quyền cho các địa phương quyết định các dự án đầu tư công.

Năm, nhiều ý kiến đồng tình có 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Song, cần rà soát, lồng ghép, tránh chồng chéo, phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả không cao và trình Quốc hội để xem xét quyết định cùng với kế hoạch tài chính quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sáu, các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án hồ chứa nước sông Than tỉnh Bình Thuận, hồ chứa nước bản Mồng tỉnh Nghệ An. Có ý kiến cần thận trọng trong quản lý rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và cho rằng thẩm quyền điều chỉnh 2 dự án này là của Chính phủ.

Theo daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
  • Về đích sớm Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu chính đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 (Nghị quyết 100). Những kết quả này đã đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
  • Nợ xấu sẽ ra sao khi Thông tư 01 hết hiệu lực?
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của 16 ngân hàng mới đây cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%. Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tăng mạnh khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) hết hiệu lực. Để có thể ứng phó với tình trạng này, ngành ngân hàng cần chuẩn bị những gì?
  • Những giải pháp căn cơ để  phục hồi và phát triển kinh tế
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại phiên thảo luận ngày 03/11 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN năm 2021, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để khôi phục nền kinh tế và đưa đất nước phát triển.
  • Đề xuất thành lập Hiệp hội bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý truyền thông đề xuất thành lập một Hiệp hội nhằm bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí, góp phần phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực.
  • Đề xuất nhiều giải pháp đột phá
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hôm qua, 4.11, các đại biểu Quốc hội đã gợi mở thêm nhiều đề xuất, giải pháp mang tính đột phá, táo bạo với mong đợi về sự hồi phục, vươn lên mạnh mẽ của đất nước sau đại dịch Covid-19 và để có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam ngay trong 10 năm tới.
Bao quát toàn diện, thẳng thắn, trách nhiệm