Bất cập, chồng chéo trong ban hành văn bản thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Qua giám sát, nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương. Nhiều nội dung mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng hướng dẫn vẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện...

phien-hopct.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả bước đầu giám sát chuyên đề việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: VPQH

Hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25.

Kết quả giám sát cho thấy, mặc dù về số lượng các văn bản quản lý đến nay cơ bản đã hoàn thành, nhưng qua giám sát, nhiều địa phương phản ánh số lượng văn bản quá nhiều, trên 300 văn bản của cả Trung ương và địa phương.

Nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng địa phương vẫn không triển khai thực hiện được.

Một số văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đã ban hành như Nghị định 38/2023/NĐ-CP nhưng do áp lực về thời gian, vẫn còn nội dung chưa tháo gỡ được, thậm chí quy định còn chặt chẽ, khó thực hiện hơn. Hiện tại, đến giữa kỳ thực hiện, vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí chưa được các Bộ, ngành hướng dẫn.

Đánh giá vấn đề này từ thực tế kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng chỉ rõ, về cơ bản, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho 3 CTMTQG. Đến nay, các Chương trình đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, liên quan đến các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành, kết quả kiểm toán cho thấy, một số cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo chưa phù hợp và còn những bất cập, hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Các đơn vị chưa ban hành hoặc ban hành chậm một số các văn bản hướng dẫn để thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị chưa thực hiện xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra; công tác báo cáo chưa đúng chất lượng cũng như chưa đúng thời gian theo quy định.

Từ thực tế giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần đánh giá, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đó là: Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo địa phương của các CTMTQG trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các Chương trình này.

Đồng thời đánh giá hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện từng CTMTQG với nhau, giữa các cơ quan chủ quản Chương trình với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của các CTMTQG; trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ quản thực hiện từng Chương trình (Bộ LĐTB&XH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc), người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình.

Làm rõ tại sao phải ban hành văn bản nhiều như vậy?

Cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, mới đây, Tổng Bí thư đã chủ trì Phiên họp lần thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo công tác giám sát, đổi mới công tác giám sát. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có Đề án đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và HĐND.

pct-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Qua giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần làm rõ những sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây là một yêu cầu có tính chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã kết luận.

Vì vậy, trong tất cả các chuyên đề giám sát phải thể hiện được tinh thần này. Những sơ hở, bất cập của văn bản, của chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phải chỉ rõ.

“Tình trạng ban hành văn bản quá nhiều, ban hành văn bản chậm thì Báo cáo đã chỉ ra có nhiều cái chậm, nhưng ban hành nhiều văn bản thì hiện nay chưa có lý giải. Trong 3 Chương trình này gần 300 văn bản, Chính phủ, các Bộ là 73 văn bản, còn các địa phương là hàng trăm văn bản, nhưng tổng cộng lại là gần 300 văn bản. Tại sao lại phải nhiều văn bản như thế?” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu, qua giám sát phải làm rõ có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để chậm công việc, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp hay không?

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát này phải làm rõ, trả lời được những câu hỏi: Vì sao lại chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn ở đâu và việc tháo gỡ như thế nào?

“CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cả 3 Chương trình tồn đọng mấy trăm nội dung, rồi việc ban hành Nghị định 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 27/2022/NĐ-CP. Vậy trách nhiệm của các Bộ, ngành ở đây thế nào khi để xảy ra tình trạng đó” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần giảm bớt tính chất kỹ thuật, tập trung đi sâu vào những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội gắn với những quan điểm lớn của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện 3 CTMTQG. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm, không nói chung chung, để sau giám sát này phải tạo ra chuyển biến căn bản, tập trung toàn lực trong thực hiện 3 CTMTQG./.

Cùng chuyên mục
Bất cập, chồng chéo trong ban hành văn bản thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia