Báo cáo một số nội dung của Dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, chuyên đề giám sát tập trung vào 2 nội dung chính.
Một là, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tập trung vào các nội dung về: sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm. Nhóm các cơ quan chịu sự giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thực hiện giám sát đối với tất cả các nội dung nêu tại mục 2 về nội dung giám sát.
Nhóm các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội: chỉ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đánh giá công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát; đồng thời đề nghị Đề cương giám sát cần làm rõ thêm bối cảnh, đặc điểm tình hình của giám sát chuyên đề này; những thuận lợi, khó khăn; đòi hỏi qua giám sát phải có những kiến nghị, tạo được đột phá mới trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, đây là chuyên đề giám sát rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi các đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng lớn có mặt hầu hết ở các cơ quan Đảng và Nhà nước, trong đó còn có những mô hình khác nhau nên địa vị pháp lý và quyền hạn cũng rất khác nhau.
Về nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nên xác định vấn đề trọng tâm trọng tâm giám sát, trong đó có 3 nội dung còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn, cần có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng là: việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Đoàn sẽ đến những nơi thực sự cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp kiến nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.