Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển giáo dục đại học nhanh, mạnh và bền vững

(BKTO) - Xã hội càng phát triển hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn. Đặc biệt, khi giáo dục là quốc sách, là một đột phá chiến lược, thì mũi nhọn trong đột phá chiến lược đó chính là giáo dục đại học.

gd-dai-hoc.jpg
Giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng. Ảnh minh họa

Giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của nền giáo dục

Phát biểu tại chương trình gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục phổ thông cho ta thấy nền của giáo dục; còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của nền giáo dục.

Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc trí tuệ con người của đất nước, thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và là biểu hiện của sở hữu nhân tài đất nước đó. “Không có quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển. Phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiện, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên Việt Nam tăng xấp xỉ 40%, với khoảng 2,1 triệu học viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng trong vài năm gần đây cho thấy niềm tin của người học, của xã hội về chất lượng đào tạo đã gia tăng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, hiện đạt xấp xỉ 32%; số lượng các công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng gần 5 lần so với 10 năm trước.

Tuy nhiên, là một phần của nền giáo dục, giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi về mô hình, cách thức tổ chức quản trị; hình thức quản lý nhà nước; hoạt động, phương pháp dạy và học; cơ cấu ngành nghề; sử dụng nguồn lực... Hơn nữa, hiện có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học, đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Cho nên, càng đi vào thời hiện đại thì trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn.

Nỗ lực phát triển công tác nghiên cứu khoa học

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với giáo dục đại học, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành giáo dục, mà còn là nguồn lực, niềm tự hào và chỗ dựa của quốc gia.

Do đó, việc triển khai, đầu tư cho các nghiên cứu khoa học và các sản phẩm khoa học thể hiện năng lực đội ngũ giảng viên, cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng các trường đại học. Từ năng lực khoa học đó, các trường sẽ giải quyết tốt việc giảng dạy hay không. Một nhà khoa học có trình độ khoa học, có kết quả nghiên cứu tốt chính là tiền đề để có thể đóng vai trò của một giảng viên tốt.

Đặc biệt, khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, đổi mới nhanh như vũ bão, thì phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn, chúng ta mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, nút thắt quan trọng, là điểm nghẽn khiến hoạt động nghiên cứu của giảng viên hiện nay chưa phát huy được là thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học. Con đường từ trong ý tưởng đi ra thị trường, thương mại hóa, chuyển giao được những nghiên cứu thì hệ thống chính sách vẫn còn những khó khăn, cần được tháo gỡ. Hơn nữa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hệ thống phòng thí nghiệm hiện tại không đáp ứng được những nghiên cứu đỉnh cao, kể cả các trường quốc tế.

Vì vậy, “nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa, thì một là chúng ta sẽ chậm lại trong tốc độ phát triển; hai là sẽ rất khó khăn đạt đến đỉnh cao của một số các trường, ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. Cho nên tháo gỡ nút thắt được xem là việc rất quan trọng của toàn thể chúng ta” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Chúng ta phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội và đồng hành của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cần kiên quyết chống tiêu cực, bệnh hình thức, thành tích và chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học; kiên quyết với mục tiêu chất lượng, phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học, vinh quang của nghề nghiệp; cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kiến nghị về một chương trình mang tầm quốc gia nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học.

Riêng về thể chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện và mở đường làm căn cứ cho đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần sớm hoàn thành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục và phải đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình giáo dục đại học số và triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh…/.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển giáo dục đại học nhanh, mạnh và bền vững