Bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí phát triển khoa học công nghệ

(BKTO) - Năm 2022, khoản chi cho khoa học công nghệ (KHCN) từ ngân sách trung ương dự kiến là 9.140 tỷ đồng, vượt qua ngưỡng 1% tổng chi ngân sách trung ương (lớn hơn mức 7.732 tỷ đồng của năm 2021). Tuy nhiên, mức chi này vẫn chưa đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

6-quang-canh-toa-dam.-anh-nguyen-ly.jpg
Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Ảnh: N.LY

Những “nút thắt” trong cơ chế, chính sách và thực tiễn

Thông tin tại Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc cho biết: Đầu tư cho lĩnh vực KHCN mặc dù được bố trí tăng hằng năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng quy định đạt tối thiểu 2% tổng dự toán chi hằng năm.

Kết quả kiểm toán cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ nhằm tạo động lực khuyến khích phát triển thị trường KHCN. Cụ thể, chưa có quy định về đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; chưa có cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức nghiên cứu công sở hữu các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các quỹ đặc thù do Bộ KHCN quản lý hầu như chưa thực hiện chức năng cho vay vốn và bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ KHCN nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước chưa được xử lý kịp thời. Theo báo cáo của Bộ KHCN, từ năm 2018 đến tháng 01/2023, có 7.915 tài sản được mua của các nhiệm vụ KHCN với nguyên giá hơn 594,6 tỷ đồng chưa được xử lý do những bất cập trong các quy định pháp luật, hướng dẫn về xử lý tài sản từ kết quả nhiệm vụ KHCN. Ngoài ra, quy định về khung số lượng các nhiệm vụ KHCN và tổng mức kinh phí còn thiếu dẫn đến tình trạng số lượng và kinh phí của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tăng lên qua các năm, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp KHCN cho các nhiệm vụ còn dàn trải.

Kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều sai phạm gây lãng phí ngân sách nhà nước (NSNN). Việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp KHCN chưa sát với thực tiễn cũng như vượt quá khả năng của đơn vị; thực hiện nhiệm vụ KHCN chậm tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt, phải xin gia hạn thời gian thực hiện dẫn đến số chi chuyển nguồn kinh phí hằng năm lớn gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Tại các địa phương, trong giai đoạn 2020-2022, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực cho nhiệm vụ KHCN không thực sự hiệu quả. Nhiều chính sách không triển khai được do điều kiện chương trình chưa sát với tình hình cơ sở vật chất và nguồn vốn tại địa phương. Công tác lập, phê duyệt nhiệm vụ KHCN chưa có nguồn vốn bố trí, nguồn kinh phí phân bổ cho lập đề tài KHCN giải ngân chậm hoặc không hết do vướng mắc trong công tác lập, thẩm định nhiệm vụ, dự toán đề tài KHCN.

Bên cạnh việc hệ thống pháp luật, chính sách chưa phù hợp với pháp luật về KHCN, chưa sát đặc thù của lao động sáng tạo và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế, nguyên nhân của tình trạng trên còn do thiếu cơ chế mở, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, gắn kết giữa các tổ chức KHCN công lập với doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế, năng lực làm chủ, khai thác và phát triển công nghệ chưa cao, nhất là các công nghệ tiên tiến có xuất xứ nước ngoài.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách kết hợp với kiểm tra, giám sát

Từ những phát hiện nêu trên, KTNN đã đưa ra nhiều khuyến nghị để công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hiệu quả.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Nguyễn Tuấn Trung, các đơn vị chủ quản bao gồm các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho KHCN. Đồng thời, chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN để triển khai thực hiện các dự án tăng cường năng lực, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu KHCN không đúng chế độ quy định; rà soát, kiểm tra và tổng hợp số kinh phí sử dụng không đúng quy định để báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Liên quan đến cơ chế, chính sách, theo Vụ Pháp chế (KTNN), Bộ KHCN, Bộ Tài chính cần sửa đổi văn bản về các quy định cơ chế khoán chi, như: Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN về cơ chế khoán chi, kiểm soát chi trong thực hiện nhiệm vụ KHCN. Bộ KHCN phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN về danh mục hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được ngân sách nhà nước; biểu mẫu Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ KHCN…

KTNN kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước tập trung vào một số nội dung: Quy định liên quan đến xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước chưa đủ điều kiện ghi nhận là tài sản cố định; Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao không bồi hoàn tài sản trang bị thuộc nhiệm vụ KHCN được NSNN hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn; Quy định về cơ chế phân chia lợi nhuận đặc thù đối với các địa phương đặc biệt khó khăn; Quy định về việc tổ chức bán, tổ chức thẩm định giá, tổ chức Hội đồng thẩm định giá; Quy định về giao quyền cho các đơn vị khác sở hữu, sử dụng có nhu cầu khi tổ chức chủ trì không nhận giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng…/.

Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 xác định: Đến năm 2025, đầu tư cho KHCN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP. Đến năm 2030, đầu tư KHCN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% GDP. Qua kiểm toán, KTNN cho rằng, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung nhiều hơn đến hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN, hơn là đến việc tăng cơ học số lượng vốn đầu tư.

Cùng chuyên mục
Bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí phát triển khoa học công nghệ