BHXH Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022

(BKTO) - Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo về kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Thành phố.

da-nang-ung-dung-cntt.jpg
Kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2022 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn TP. Đà Nẵng được đánh giá theo 5 tiêu chí. Ảnh: ST

Theo đó, đối với nhóm các cơ quan Trung ương, có 5 cơ quan xếp loại Tốt và 1 cơ quan xếp loại Khá (năm 2021 có 3 cơ quan xếp loại Tốt và 3 cơ quan xếp loại Khá). Với 97,1 điểm, Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng đã dẫn đầu Bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Hạ tầng CNTT; phần mềm “Một cửa điện tử”; phần mềm quản lý văn bản điều hành và chữ ký số; dịch vụ công trực tuyến; nguồn nhân lực và chính sách CNTT.

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP. Đà Nẵng đã ghi nhận 5 tiêu chí trên đối với nhóm các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố, cụ thể:

Hạ tầng CNTT tiếp tục được các cơ quan Trung ương quan tâm đầu tư, 100% cơ quan đã mua sắm hệ điều hành có bản quyền và phần mềm diệt virus có bản quyền; 100% máy tính cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền hoặc nguồn mở.

Đối với phần mềm “Một cửa điện tử”, tỷ lệ hồ sơ có đính kèm thành phần hồ sơ là 98,9% (năm 2021 là 93,8%); tỷ lệ hồ sơ có đính kèm kết quả là 87,1% (năm 2021 là 87,5%); 100% cơ quan đã triển khai hệ thống và công khai mức độ hài lòng của tổ chức, công dân; 100% cơ quan triển khai ký số ban hành kết quả thủ tục hành chính.

Về phần mềm quản lý văn bản điều hành và chữ ký số, các cơ quan đã thực hiện đính kèm đầy đủ dự thảo khi ban hành văn bản; gửi liên thông văn bản điện tử, 100% văn bản đến được quét từ bản giấy và có chữ ký số cơ quan (năm 2021 là 53,3%); 92,3% văn bản ban hành có chữ ký số cơ quan (năm 2021 là 70,8%). Đặc biệt, 58,3% văn bản điều hành có đồng thời chữ ký số lãnh đạo và chữ ký số cơ quan (năm 2021 là 53,3%); 99,1% văn bản đi được ký số cùng ngày với ngày phát hành văn bản (năm 2021 là 83,3%).

Về dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến một phần (mức 3) của các cơ quan Trung ương đạt 63,7% (năm 2021 là 87,2%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (mức 4) đạt 97,8% (năm 2021 là 94,9%). 100% cơ quan đã triển khai dịch vụ bưu chính công ích, chức năng thanh toán trực tuyến; 4/5 cơ quan đã ứng dụng di động dịch vụ công trực tuyến của ngành dọc.

Ngoài ra, đối với nguồn nhân lực và chính sách CNTT, 100% cơ quan Trung ương đã bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên cho ứng dụng CNTT; 100% cơ quan có bố trí phụ cấp hằng tháng cho cán bộ chuyên trách CNTT; 100% cơ quan có công chức, viên chức có sáng kiến về CNTT…/.

Cùng chuyên mục
BHXH Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022