Biến thành tựu công nghệ thông tin thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán

Xác định rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) đối với công tác quản lý điều hành của đơn vị, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III đã chủ động, tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán, biến nhiệm vụ tưởng chừng như là thách thức thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán, qua đó góp phần mang lại kết quả chung trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

dsc_6178.jpg
Những nỗ lực công tác của KTNN chuyên ngành III, trong đó có việc ứng dụng CNTT vào hoạt động đã được lãnh đạo Ngành ghi nhận, động viên. Ảnh: N.LỘC

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Với đặc thù là đơn vị thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thường xuyên thực hiện kiểm toán với các lĩnh vực, nội dung kiểm toán mới như: Kiểm toán môi trường, kiểm toán chuyên đề…, khối lượng công việc đối với từng cuộc kiểm toán của KTNN chuyên ngành III thường rất lớn. Theo Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm, nếu chỉ áp dụng các phương thức kiểm toán truyền thống, với những cách thức tính toán thủ công, thuần túy của kiểm toán viên thì rất khó để hoàn thành được nhiệm vụ đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.

ung-dung-cntt.jpg
Các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III đã làm chủ được các ứng dụng công nghệ để áp dụng trong hoạt động kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

Xuất phát từ yêu cầu đó, đơn vị luôn chú trọng đến công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động, trọng tâm là hoạt động kiểm toán. Theo đó, ngay từ đầu năm, đơn vị đã ban hành Thông báo về việc tăng cường nâng cao ứng dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị và thực hiện các tiêu chí đánh giá ban hành tại Quyết định số 1934/QĐ-KTNN ngày 17/11/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Trong đó, quán triệt và phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, kiểm toán viên tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.

Theo Trưởng phòng Tổng hợp Trần Việt Sơn, đến nay, toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị đã sử dụng phần mềm nội bộ trong quản lý điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán (nhật ký kiểm toán, tiến độ kiểm toán, kết quả kiểm toán, kết quả kiểm tra kiến nghị, số hóa hồ sơ kiểm toán); 100% các đoàn kiểm toán của đơn vị áp dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, các kiểm toán viên đã sử dụng thành thạo phần mềm kế toán kết xuất các sổ chi tiết tài khoản; phần mềm quản lý đào tạo, thu học phí, viện phí; bảng dữ liệu về quản lý tài sản quốc gia; phần mềm quản lý công trình nghiên cứu khoa học; việc công khai dự toán trên trang thông tin điện tử; các dữ liệu, tài liệu, thông tin được công bố chính thức trên các trang web, trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có liên quan đến các đơn vị được kiểm toán,...

Chứng kiến một buổi làm việc của các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III, dấu ấn khai thác sử dụng CNTT thể hiện rất rõ trong từng công việc. Từ việc triển khai công việc thường ngày hầu như diễn ra trên môi trường mạng, cho đến thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán với đầy đủ các công cụ hỗ trợ cho hoạt động của kiểm toán viên. Theo Kiểm toán viên Nguyễn Đình Quang, đây là những tiện ích trông thấy, nhất là các dữ liệu thu thập qua ứng dụng CNTT được lưu trữ tại các tổ kiểm toán đã phục vụ đắc lực, nâng cao hiệu suất làm việc của kiểm toán viên.

Do đó, đối với các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III, từ chỗ bị coi là áp lực phải triển khai, các ứng dụng CNTT đang ngày càng trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán.

“Số hóa” hồ sơ kiểm toán

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc ứng dụng CNTT vào công tác kiểm toán được KTNN chuyên ngành III tập trung triển khai thực hiện, đó là số hóa hồ sơ kiểm toán, từng bước đưa công tác này vào nền nếp để phục vụ thiết thực cho hoạt động kiểm toán.

Là bộ phận đầu mối thực hiện lưu trữ tài liệu, xử lý số hóa hồ sơ kiểm toán của KTNN chuyên ngành III, lãnh đạo Phòng Tổng hợp cho biết, Kiểm toán trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân tham gia sắp xếp, rà soát, đối chiếu danh mục, hồ sơ, tài liệu thuộc hồ sơ kiểm toán của các cuộc kiểm toán năm 2021; đánh mã vạch theo mẫu và phối hợp, bàn giao hồ sơ cho Trung tâm Tin học để thực hiện số hóa... “Những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác rất cao, bởi chỉ cần sai lệch một mã vạch, hay thất lạc một tài liệu trong hồ sơ có thể làm gián đoạn đến nhiều khâu khác. Do đó, các cá nhân được giao đều tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - lãnh đạo Phòng cho biết.

Đến nay, đơn vị đã số hóa được hồ sơ kiểm toán của 03 đoàn kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán năm 2022 và hồ sơ thực hiện kiến nghị kiểm toán, hồ sơ khiếu nại của các đoàn kiểm toán năm 2020, 2021.

- KTNN chuyên ngành III -

Khẳng định quyết tâm sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, tập trung ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của đơn vị, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm cho biết, KTNN chuyên ngành III đang tập trung, quyết liệt tổ chức thực hiện và dự kiến đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành toàn diện việc số hóa hồ sơ của 10 cuộc kiểm toán đã phát hành năm 2022 và tạo lập hồ sơ kiểm toán điện tử. Đồng thời tiếp tục tập hợp, đánh mã vạch các hồ sơ kiểm toán của các cuộc kiểm toán chưa được số hóa để thực hiện số hóa theo yêu cầu.

dsc_6223.jpg
Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm: Mỗi kiểm toán viên cần tự quán triệt việc ứng dụng CNTT là xu thế để chủ động thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và tuyệt đối không thể bàn lùi. Ảnh: N.LỘC

Có thể nói, dù không phải là đơn vị kiểm toán có thế mạnh liên quan đến CNTT, song quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về tăng cường ứng dụng CNTT, coi đây là xu thế, là giải pháp sống còn đối với hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành III đang quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này. Những nỗ lực của đơn vị cũng đã được lãnh đạo KTNN ghi nhận, biểu dương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của đơn vị vừa qua. Đây chính là những nền tảng, nguồn động lực to lớn để đưa việc ứng dụng CNTT của đơn vị từng bước trở thành nền nếp.

Điều quan trọng hơn cả, như Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm từng nhấn mạnh, đó là mỗi kiểm toán viên phải có sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, coi việc ứng dụng CNTT nhằm mang lại lợi ích cho chính công việc của mình, là nhu cầu tự thân, từ đó tạo sự chuyển biến đột phá trong thực hiện công tác này.

Cùng chuyên mục
Biến thành tựu công nghệ thông tin thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán