Bộ Giao thông vận tải: Triển khai nhiều dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

(BKTO) - Để đạt được mục tiêu giải ngân năm 2023, song song với việc khởi công nhiều dự án mới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng yêu cầu các ban quản lý dự án (QLDA), nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án đã triển khai.

11.jpg
Giá trị giải ngân của Bộ GTVT chủ yếu tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: ST

Khởi công nhiều dự án mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung hoàn thiện thủ tục chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án theo đúng kế hoạch. Trong đó: Dự án Quốc lộ 2 khởi công tháng 12/2023; Dự án Quốc lộ 8C khởi công tháng 9/2023; Dự án tuyến tránh phía Đông TP. Đông Hà (Quảng Trị) khởi công tháng 10/2023. Ngoài ra, Dự án Quốc lộ 4B Lạng Sơn khởi công tháng 12/2023; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận khởi công tháng 12/2023 và Dự án Cầu Đại Ngãi khởi công tháng 9/2023.

Với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, trước tiên là các dự án thành phần đã thông xe đưa vào khai thác, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA quyết liệt chỉ đạo nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát tập trung thi công dứt điểm các hạng mục còn lại trong tháng 9; hoàn thành các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương trước ngày 31/12/2023. Với Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (thời gian hoàn thành tháng 12/2023), Ban QLDA 7 chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch.

Riêng 2 Dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thời gian hoàn thành năm 2024), tiến độ đang bị chậm, Bộ GTVT đã có rất nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời yêu cầu Ban QLDA 6 và Ban QLDA 85 bám sát các chỉ đạo của Bộ để chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không đáp ứng năng lực theo yêu cầu. Đối với Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hoàn thành tháng 12/2023), Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận giám sát đặc biệt quá trình triển khai dự án, quyết liệt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị có liên quan tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công...

Giải ngân chậm, người đứng đầu chịu trách nhiệm

Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2023, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 95.200 tỷ đồng; trong đó, vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 54.549 tỷ đồng, vốn trung hạn là 40.673 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn ngành giao thông đã giải ngân được hơn 49.700 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch giao và đạt 95% kế hoạch chủ đầu tư đăng ký. Kết quả giải ngân này cao hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, dù kết quả giải ngân của Bộ GTVT thường xuyên được duy trì ở mức cao hơn mức trung bình chung của cả nước, song nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề khi sản lượng trong những tháng cuối năm 2023 còn hơn 45.000 tỷ đồng. Riêng tháng 9/2023, kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký khoảng hơn 7.400 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng cần phải có giải pháp đẩy mạnh giải ngân để bù phần bị chậm trong 8 tháng năm 2023 (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Giá trị giải ngân 8 tháng năm 2023 tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam, đạt hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 74% giá trị giải ngân của Bộ GTVT. Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.

Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác giải ngân, song trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Ban QLDA 7 vẫn khẳng định, trường hợp gặp phải khó khăn khách quan, đơn vị vẫn phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn được giao. Trong tổng số hơn 13.100 tỷ đồng vốn được giao (gồm cả 305 tỷ đồng được bổ sung), hiện sản lượng giải ngân của Ban đạt gần 7.300 tỷ đồng, đạt hơn 55% kế hoạch. Dự kiến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Ban sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng (đạt 61%), cơ bản đạt kế hoạch đề ra và đạt theo mặt bằng chung của Bộ GTVT.

Là một trong các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) - cho biết, dự kiến năm 2023, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân được hơn 9.518 tỷ đồng, đạt 99,6% tổng số vốn được giao (hơn 9.558 tỷ đồng).

Phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao (10.908 tỷ đồng) trong năm 2023, ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban QLDA 6 - cho biết, từ đầu năm đến nay, giá trị giải ngân của đơn vị đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, đạt hơn 64% kế hoạch. Ban đang tích cực đề nghị các địa phương đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, sớm tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đăng ký và quyết tâm phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA bám sát tiến độ, kế hoạch đã đăng ký theo từng tháng, quý, quyết liệt đôn đốc đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, có hành vi nhũng nhiễu trong các khâu nghiệm thu, thanh toán, gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, các chủ đầu tư, ban QLDA chưa đáp ứng tiến độ giải ngân cần triển khai ngay các giải pháp để bù lại tiến độ đã bị chậm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc tại công trường. Người đứng đầu các chủ đầu tư, ban QLDA chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng giao các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA, các nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm./.

Cùng chuyên mục
  • Phát triển hệ sinh thái cho công nghệ cao và kết nối đầu tư
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/9/2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.
  • Giải ngân vốn đầu tư công: Để thực tiễn và kỳ vọng không còn khoảng cách
    7 tháng trước Đầu tư
    3 tháng cuối năm phải giải ngân khoảng 50% vốn đầu tư công (ĐTC) của năm 2023, đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng và kỳ vọng giải ngân 95% kế hoạch vốn của cả năm sẽ không còn khoảng cách với thực tiễn.
  • Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận là phương án tối ưu. Trong đó, phương thức đối tác công tư (PPP) ngày càng được chú trọng triển khai.
  • Không đẩy khó cho nhà đầu tư
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...
  • Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được triển khai trên địa bàn khó khăn, với địa hình hiểm trở, song địa phương cam kết cùng Nhà đầu tư chuẩn bị mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai thực hiện thành công dự án.
Bộ Giao thông vận tải: Triển khai nhiều dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân