Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP

(BKTO) - Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận là phương án tối ưu. Trong đó, phương thức đối tác công tư (PPP) ngày càng được chú trọng triển khai.

cao-toc-copy.jpg
Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Ảnh: St

UBND tỉnh Long An vừa có Công văn số 8712/UBND – KTTC về việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM- Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP gửi tới Bộ giao thông vận tải (GTVT).

Theo đó, tuyến cao tốc TP. HCM- Trung Lương - Mỹ Thuận có hơn 28 km đi qua địa bàn tỉnh Long An, có vai trò rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đến năm 2025, các tuyến cao tốc ở khu vực Tây Nam Bộ (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…) và tuyến vành đai 3 TP. HCM hoàn thành sẽ kết nối, tạo thành mạng lưới đường cao tốc khu vực Nam Bộ.

Tại Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc vành đai 3 TP. HCM (hiện nay đã và đang đầu tư giai đoạn 1 của các dự án này).

Thực tế cho thấy, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã và đang đóng vai trò rất quan trọng cho nhu cầu giao thông chất lượng cao trong khu vực. Tuy nhiên, do nhu cầu giao thông tăng cao nhưng quy mô giai đoạn 1 hạn chế, nên tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thường xuyên ùn tắc và trong tương lai gần sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giao thông.

“Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP là phương án tối ưu”, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đánh giá.

UBND tỉnh Long An cho rằng, Dự án đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP có chiều dài lên đến hơn 91 km, đi qua địa bàn TP. HCM và 2 tỉnh: Long An và Tiền Giang, nên Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án theo phương thức PPP là phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành và năng lực chuyên môn.

100000001835_1695180922_365006366787.jpg
Hầm đường bộ Đèo Cả được triển khai theo hình thức PPP. Ảnh: Đèo Cả

UBND tỉnh Long An cam kết sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT và Nhà đầu tư được lựa chọn trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Long An.

Do hiện nay, tuyến cao tốc vành đai 3 TP. HCM giai đoạn 1 đang được triển khai đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2025, trong đó, có Dự án thành phần 7 dài khoảng 6,37 km, từ lý trình Km85+200 đến Km91+568 qua địa bàn tỉnh Long An với quy mô 4 làn xe cao tốc. Dự án thành phần 7 có vị trí kết nối với tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao Bến Lức.

Tại vị trí nút giao này có lưu lượng xe tập trung lớn nên cần sớm mở rộng theo quy hoạch để tránh ùn tắc và khai thác hiệu quả đầu tư của 3 tuyến cao tốc.

Do đó, UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung đầu tư giai đoạn 2 của Dự án thành phần 7 đường vành đai 3 TP. HCM dài khoảng 6,37 km phù hợp quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc (đầu tư thêm 4 làn xe cao tốc) vào Dự án đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.

“UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng đối với phạm vi mở rộng này (nếu có)”, Công văn số 8712/UBND - KTTC nêu rõ.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia thực hiện nhiều dự án PPP, trong đó nhiều dự án có tính chất trọng điểm quốc gia, vùng. Các hạng mục đều vượt tiến độ, tiết giảm được chi phí, có dự án, điển hình như Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả được Bộ GTVT coi là cơ sở thực tiễn để cơ quan Nhà nước và các bên liên quan nghiên cứu, hoàn thiện mô hình đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực giao thông

Cùng chuyên mục
  • Không đẩy khó cho nhà đầu tư
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...
  • Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được triển khai trên địa bàn khó khăn, với địa hình hiểm trở, song địa phương cam kết cùng Nhà đầu tư chuẩn bị mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai thực hiện thành công dự án.
  • Đèo Cả hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 13/9/2023, Tập đoàn Đèo Cả tham gia Hội thảo và Triển lãm công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới “Chiến lược tăng trưởng xanh" do Hiệp hội Thép tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Các phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng.
  • Đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 chưa phân bổ hết hoặc đã phân bổ nhưng không thể giải ngân hết.
  • 18,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau 8 tháng
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đến hết tháng 8/2023 đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP