Giải ngân vốn đầu tư công: Để thực tiễn và kỳ vọng không còn khoảng cách

3 tháng cuối năm phải giải ngân khoảng 50% vốn đầu tư công (ĐTC) của năm 2023, đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng và kỳ vọng giải ngân 95% kế hoạch vốn của cả năm sẽ không còn khoảng cách với thực tiễn.

8.jpg
Các Bộ, ngành và các địa phương phải coi nhiệm vụ giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ảnh sưu tầm

Giải ngân tăng mạnh nhưng vẫn còn xa mục tiêu

Ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) - cho biết, năm 2023 có đặc thù so với 2 năm trước, đó là tổng số vốn rất lớn, trên 700.000 tỷ đồng, tăng 23% so với kế hoạch vốn của năm 2022.

Chính phủ đã xác định giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và thành lập 5 tổ công tác của Chính phủ, 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để đôn đốc công tác giải ngân. Qua đó, kết quả giải ngân vốn ĐTC đã đạt được kết quả tích cực. Theo số liệu của Bộ KHĐT, tính đến đầu tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 39,15%. Số tuyệt đối cao hơn 87.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, kết quả tích cực trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhiều vướng mắc về thể chế đã được các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ. Đồng thời, tổ công tác ở các địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh làm Tổ trưởng cũng đã thúc đẩy kiểm tra, giám sát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án ĐTC trên địa bàn.

Mặc dù vậy, đến đầu tháng 9, vẫn có 41/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 40% kế hoạch vốn được giao. Đây cũng là chính những đơn vị có nhu cầu trả lại kế hoạch vốn. Việc chậm giải ngân cũng như trả lại kế hoạch vốn tác động tới khả năng hoàn thành dự án, hiệu quả đầu tư, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực; đồng thời cũng tạo ra áp lực bổ sung vốn kế hoạch của các năm tiếp theo.

Đến hết tháng 9, việc giải ngân vốn ĐTC ước đạt 47,75%. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, giải ngân ước đạt 51,39% (cùng kỳ năm ngoái đạt 46,7%), nếu so số tuyệt đối thì giải ngân cao hơn 110.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - thẳng thắn thừa nhận, trong bối cảnh ĐTC là một trong ba động lực chính để tăng trưởng kinh tế, việc giải ngân vốn ĐTC vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa kỳ vọng và thực tiễn. Nguyên nhân là do việc triển khai một dự án ĐTC chịu sự chi phối của rất nhiều luật, như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và môi trường… nên việc hoàn tất thủ tục đối với mỗi dự án mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc triển khai của các cấp còn chậm do khối lượng công việc lớn, không tương xứng với lực lượng, số lượng nhân sự hiện có; việc triển khai của các cấp còn lúng túng; có tâm lý e dè, đẩy trách nhiệm tại hầu hết các cấp, đặc biệt là các cấp ở cơ sở. Điều này đã làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện dự án ĐTC.

3 tháng phải giải ngân khoảng 50% kế hoạch vốn

Trước thực trạng một số đơn vị có nhu cầu trả lại vốn ĐTC, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ KHĐT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chuyển các nguồn vốn này từ các Bộ có tỷ lệ giải ngân thấp sang các Bộ và cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao để giải ngân hết số vốn Thủ tướng đã đề ra.

Về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh chia sẻ: Việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án không có khả năng thực hiện hoặc có khả năng thực hiện thấp sang dự án có khả năng thực hiện là một giải pháp linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn ĐTC hằng năm. Luật Đầu tư công cũng đã quy định cụ thể việc này. Vấn đề quan trọng nhất là các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải bám sát, đánh giá đúng thực trạng, khả năng thực hiện của dự án và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời, đúng thời hạn.

ong-le-tuan-anh-pho-vu-truong-vu-dau-tu-bo-tai-chinh.-anh-nguyen-ly.jpg
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính

Ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh: Đến thời điểm này, chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, trong khi đó, còn khoảng 50% khối lượng vốn theo kế hoạch năm 2023. Mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn thực sự là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc; các Bộ, các địa phương quyết liệt trong việc thúc đẩy công tác thực hiện thanh toán vốn. 3 tháng còn lại của năm không đủ thời gian để ban hành thêm những văn bản về thể chế, vấn đề quan trọng là tập trung thực hiện khối lượng vốn còn lại trong khuôn khổ pháp luật hiện nay. Do đó, tất cả các tổ công tác, đặc biệt, các tổ công tác tại các địa phương, các Bộ cần thực sự quyết tâm hơn nữa trong việc bám sát tiến độ, kiểm điểm tiến độ hằng tháng, xem xét các kết quả thực hiện của từng dự án, từng gói thầu hằng tháng tại mọi cấp và có biện pháp quyết liệt xử lý kỷ luật, xử lý về thủ tục. Đồng thời, ngay đầu tháng 10, các cấp, các ngành phải hoàn thành việc điều chỉnh vốn giữa các dự án để chủ đầu tư có thời gian triển khai. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, chẳng hạn tăng cường họp online để xử lý những vấn đề cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa thời gian đi lại để đảm bảo giải ngân 50% khối lượng vốn trong 3 tháng cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Tâm cho rằng, để đạt được chỉ tiêu giải ngân trên 95% Theo Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các công điện, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương phải coi nhiệm vụ giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, phát huy hiệu quả 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, các dự án trong quá trình triển khai. Các địa phương cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng như khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn nguyên, nhiên, vật liệu./.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận là phương án tối ưu. Trong đó, phương thức đối tác công tư (PPP) ngày càng được chú trọng triển khai.
  • Không đẩy khó cho nhà đầu tư
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...
  • Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được triển khai trên địa bàn khó khăn, với địa hình hiểm trở, song địa phương cam kết cùng Nhà đầu tư chuẩn bị mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai thực hiện thành công dự án.
  • Đèo Cả hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 13/9/2023, Tập đoàn Đèo Cả tham gia Hội thảo và Triển lãm công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới “Chiến lược tăng trưởng xanh" do Hiệp hội Thép tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Các phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng.
  • Đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 chưa phân bổ hết hoặc đã phân bổ nhưng không thể giải ngân hết.
Giải ngân vốn đầu tư công: Để thực tiễn và kỳ vọng không còn khoảng cách