Phát triển hệ sinh thái cho công nghệ cao và kết nối đầu tư

(BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/9/2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.

1(1).jpg
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Tập đoàn VinaCapital tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư”. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hà Nội đứng đầu trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng, nhiều chính sách đặc thù cũng như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Hà Nội cũng là trung tâm kinh tế và hội tụ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, có điều kiện tổng hợp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Hệ thống cơ sở đào tạo và hạ tầng đang từng bước cải thiện, hiện đại hóa sẽ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả…

     Các lĩnh vực nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài chính của Hà  Nội gồm: Xây dựng, bất động sản- chiếm 31%; công nghiệp chế biến, chế tạo- chiếm 30%; thương mại, dịch vụ- chiếm 22%; các lĩnh vực khác là 17%.

Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước). Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD.

Hà Nội có 11 khu công nghiệp (2.930ha) đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy là 60%; 1 khu công nghiệp (368ha) đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Khu công nghiệp Nam Hà Nội, giai đoạn II); 3 khu công nghiệp (663,4ha) đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp cao sinh học, khu công nghiệp Quang Minh II, khu công nghiệp sạch Sóc Sơn); 3 khu công nghiệp (586,8ha) đã có quy hoạch, đang triển khai một phần công tác chuẩn bị đầu tư (Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố định hướng và nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

     Theo cơ chế hiện hành của Hà Nội, lĩnh vực công nghiệp sẽ thực hiện các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, áp thuế 5% trong 9 năm tiếp theo và lên mức 10% trong 15 năm sau đó. 

Do đó, Hà Nội luôn sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiêp để triển khai các dự án, cũng như tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, xử lý nước thải, chất thải và dịch vụ logistics. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vận hành các dự án đầu tư.

Chú trọng phát triển ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn

Thông tin tại tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư", ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, nhiều nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ, công nghệ chip bán dẫn. Đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. 

Đại diện Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin thêm, Hà Nội xác định tầm quan trọng to lớn của ngành bán dẫn trong quá trình phát triển giai đoạn mới, kết hợp với hiện đại hóa, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế… Thành phố chủ trương thúc đẩy hợp tác, xây dựng hệ sinh thái, kêu gọi đầu tư nước ngoài với ưu tiên một số ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thiết bị hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng liên quan đến ngành công nghiệp chíp bán dẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng khẳng định, Hà Nội có thể bảo đảm cho việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử, tin học, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Một số cơ sở như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều năm đào tạo nhân lực để tham gia các dự án sản xuất chíp bán dẫn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Hà Nội sẽ chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án phù hợp với định hướng chung, trong đó, chú trọng ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn kết hợp từng bước nghiên cứu, phát triển sản phẩm bán dẫn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với Quỹ VinaCapital và các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng quan tâm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Chất lượng cao Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án/chương trình/kế hoạch liên kết, hợp tác đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Thành phố chuẩn bị sẵn sàng tối đa cho dự án mới, từ mặt bằng tại các khu công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính đến cung cấp nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết./.

Cùng chuyên mục
  • Giải ngân vốn đầu tư công: Để thực tiễn và kỳ vọng không còn khoảng cách
    7 tháng trước Đầu tư
    3 tháng cuối năm phải giải ngân khoảng 50% vốn đầu tư công (ĐTC) của năm 2023, đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa thì tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng và kỳ vọng giải ngân 95% kế hoạch vốn của cả năm sẽ không còn khoảng cách với thực tiễn.
  • Đề xuất đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận là phương án tối ưu. Trong đó, phương thức đối tác công tư (PPP) ngày càng được chú trọng triển khai.
  • Không đẩy khó cho nhà đầu tư
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Được đánh giá là mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thành công nhất từ trước đến nay, thế nhưng Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là Nhà đầu tư) đang gặp phải khó khăn trong thu phí, phần vốn Nhà nước dự án chưa được giải ngân, gây khó khăn cho Nhà đầu tư...
  • Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
    7 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được triển khai trên địa bàn khó khăn, với địa hình hiểm trở, song địa phương cam kết cùng Nhà đầu tư chuẩn bị mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai thực hiện thành công dự án.
  • Đèo Cả hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
    8 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 13/9/2023, Tập đoàn Đèo Cả tham gia Hội thảo và Triển lãm công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới “Chiến lược tăng trưởng xanh" do Hiệp hội Thép tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Các phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Phát triển hệ sinh thái cho công nghệ cao và kết nối đầu tư