Công khai báo cáo kiểm toán theo hình thức điện tử
Báo cáo tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian qua, Ban cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết số 74), Quốc hội giao KTNN: “Tăng cường và đa dạng các hình thức công khai thông tin kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật, bảo đảm cung cấp các thông tin kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước. Cung cấp đầy đủ các báo cáo kiểm toán đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hình thức điện tử”. Thực hiện nhiệm vụ này, KTNN đã ban hành Chỉ thị số 103/CT-KTNN ngày 22/02/2023 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023, yêu cầu các báo cáo kiểm toán (BCKT) sau khi phát hành được công bố công khai (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước). Đồng thời, thực hiện cung cấp BCKT cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74.
Đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng hoặc đề nghị khen thưởng đột xuất, chậm nhất trong thời gian 30 ngày sau khi BCKT được phát hành, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thực hiện tổng hợp một số nội dung, phát hiện trọng yếu để công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, Báo Kiểm toán.
Đặc biệt, KTNN đã hoàn thành việc triển khai Hệ thống công khai báo cáo kiểm toán của KTNN để cung cấp báo cáo kiểm toán đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hình thức điện tử tại địa chỉ truy cập: https://congkhaibckt.sav.gov.v..., từ ngày 22/5/2023. Dữ liệu cung cấp bao gồm các BCKT phát hành (trừ báo cáo phát hành theo chế độ Mật) từ năm 2022 trở đi (trong đó KTNN đã số hóa toàn bộ BCKT năm 2022). Đối với các BCKT từ năm 2023 trở đi sẽ được đăng tải lên Hệ thống chậm nhất 30 ngày sau ngày phát hành BCKT. “Tính đến thời điểm hiện tại, KTNN đã số hóa và cung cấp toàn bộ 330 BCKT thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2022 và 42 BCKT đã phát hành thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2023” - Tổng Kiểm toán nhà nước thông tin.
Cùng với đó, KTNN cũng thực hiện công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của KTNN; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của KTNN theo yêu cầu của Quốc hội và các quy định của KTNN.
Nỗ lực đột phá của Kiểm toán nhà nước
Những đổi mới trong công tác công khai kết quả kiểm toán của KTNN nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội. Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho biết, các kết quả kiểm toán vừa qua được gửi đến các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phục vụ rất tốt cho công tác giám sát. Đây là những thông tin rất quan trọng để đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thêm những nhận định, đánh giá, có thêm những căn cứ, cơ sở khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát; kết hợp với kết quả giám sát để đưa ra những kết luận và kiểm chứng lại thông tin.
Theo đại biểu, ngay trong giám sát chuyên đề về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, Đoàn giám sát cũng sử dụng khá hiệu quả kết quả kiểm toán; đặc biệt là đối với những vấn đề, những nhận định, đánh giá còn chưa có sự thống nhất hay trong nhận diện những vấn đề mang tính bản chất. Bên cạnh giám sát trực tiếp, kết quả kiểm toán là cơ sở để minh chứng cho những nhận định, đánh giá giám sát. “Báo cáo kiểm toán không chỉ đơn thuần là những con số, số liệu tài chính mà còn có những đánh giá về cơ chế, chính sách. Thực tế cho thấy, có rất nhiều điểm tương đồng giữa đánh giá của Đoàn giám sát và đánh giá của KTNN” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành đánh giá.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, việc KTNN hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống công khai BCKT để cung cấp BCKT cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một hoạt động rất mới, rất tích cực; tạo nên kênh thông tin quan trọng cung cấp dữ liệu phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; giúp cho công tác giám sát sát thực, hiệu quả hơn.
Để hoàn thiện Hệ thống và mang lại hiệu quả cao hơn, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị KTNN cần chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng kết luận, kiến nghị của mình, giúp thông tin kết quả kiểm toán chất lượng hơn. Đồng thời, nghiên cứu thiết kế phân nhánh cung cấp thông tin tổng hợp, kết quả kiểm toán tổng hợp và kết quả kiểm toán theo chuyên đề để giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin, dữ liệu hơn; phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị và các đại biểu hiệu quả, thiết thực hơn. Bên cạnh đó, KTNN cũng cần xây dựng quy chế khai thác sử dụng và tăng cường bảo mật Hệ thống để việc công khai minh bạch đáp ứng yêu cầu quy định của Luật nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm toán và các bên có liên quan.
Lâu nay, một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, KTNN đi kiểm toán, giám sát các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương thì ai giám sát cơ quan kiểm toán. Với việc cập nhật BCKT và cung cấp công khai đến đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, KTNN đã tạo ra cơ chế để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát lại hoạt động kiểm toán, qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Nhấn mạnh đây là bước đổi mới đột phá của KTNN, hướng đến công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - mong muốn KTNN sẽ cũng cấp BCKT thường xuyên và mang tính cập nhật hơn; nội dung kiểm toán cần bao quát hơn và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng cần được cập nhật kịp thời. “Hằng năm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đều tổ chức hội nghị làm việc với KTNN, để nắm bất những vấn đề thuộc lĩnh vực theo dõi qua kết quả kiểm toán; đồng thời, hỗ trợ, phối hợp cùng KTNN trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán” - ông Tạ Văn Hạ thông tin./.