Quy trình, hướng dẫn là căn cứ quan trọng để triển khai kiểm toán
Tham luận tại Hội thảo, đại diện KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh: Hướng dẫn kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương tại Quyết định số 1450/QĐ-KTNN ngày 21/11/2022 đã xác định cụ thể, rõ ràng và phân định sự khác biệt về mục tiêu kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương với kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Diễn giải rõ hơn, đại diện KTNN chuyên ngành III cho biết, mục tiêu kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương (theo Hướng dẫn) nhằm xác định BCQT ngân sách có phù hợp với khuôn khổ quy định về lập và trình bày BCQT ngân sách hiện hành không, qua đó đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của BCQT ngân sách.
Bên cạnh đó, có 3 mục tiêu khác gắn liền với nội dung kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương. Thứ nhất, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong thẩm định, xét duyệt, tổng hợp lập BCQT ngân sách của Bộ, cơ quan trung ương. Thứ hai, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác quyết toán NSNN theo các nội dung dự toán được giao. Thứ ba, đánh giá công tác quản lý tài chính ngân sách của Bộ, cơ quan trung ương.
Cũng theo Hướng dẫn này, cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương gồm 4 nguyên tắc cụ thể: nguyên tắc tiếp cận kiểm toán theo trình tự từ “đỉnh” đến “đáy”; nguyên tắc tách riêng, không kiểm toán việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản công; nguyên tắc phù hợp với dự toán được giao, phù hợp giữa số liệu tổng hợp với chi tiết; nguyên tắc phục vụ công tác tổng quyết toán NSNN. Qua đó, định hướng và xác định khuôn khổ thống nhất trong hoạt động kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương.
Cùng với việc phải tuân thủ các tiêu chí kiểm toán theo quy định về lập và trình bày BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương tại Luật NSNN, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công, Chế độ kế toán, tài chính, Chuẩn mực kế toán…, các đơn vị cũng cần ứng dụng các mẫu báo cáo riêng mà Hướng dẫn kiểm toán đã xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định đặc thù của kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương.
Qua thẩm định kế hoạch kiểm toán của các cuộc kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đánh giá, nhìn chung, các đoàn kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ. Kế hoạch kiểm toán tổng quát được lập trên cơ sở khảo sát thu thập thông tin đầy đủ, đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu, xác định mục tiêu, trọng yếu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán để dự kiến thời gian kiểm toán, phân bổ nguồn lực phù hợp.
Các đơn vị đã nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng quát của các cuộc kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương thông qua nhiều phương thức. Trong đó chú trọng đa dạng hóa phương pháp thu thập thông tin, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Việc bố trí nhân sự ngày càng được chú trọng theo hướng tăng cả về số lượng và chất lượng nhằm giảm thiểu rủi ro, đáp ứng yêu cầu chuyên môn ngày càng cao của hoạt động kiểm toán.
Cần quy định chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể hơn
Tuy nhiên, theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, một số đoàn kiểm toán chưa chuẩn bị tốt đề cương khảo sát thu thập thông tin; chưa rà soát, cập nhật những thay đổi, trọng tâm theo định hướng của Ngành dẫn đến bị động, thiếu thông tin trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, có đoàn cho đến khi thực hiện kiểm toán mới có thông tin đầy đủ dẫn đến việc bố trí thời gian và nhân sự không phù hợp.
Việc phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu của một số đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Một số đoàn chỉ nêu các trọng yếu, nội dung kiểm toán theo hướng dẫn hằng năm của KTNN mà không dựa trên thông tin khảo sát thu thập dẫn đến xác định trọng yếu kiểm toán nhưng không có thông tin hoặc có một số nội dung qua khảo sát không phát sinh vẫn đưa vào nội dung kiểm toán.
Một số cuộc kiểm toán xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung hoặc quá rộng dẫn đến quá trình thực hiện khó đạt được mục tiêu kiểm toán; còn nhầm lẫn giữa nội dung kiểm toán và tiêu chí kiểm toán...
Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn kiểm toán. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đồng tình với đề xuất này và nhấn mạnh: giải pháp cơ bản nhất phải từ văn bản hướng dẫn kiểm toán và phải nâng tầm từ hướng dẫn kiểm toán.
Từ thực tiễn triển khai, KTNN chuyên ngành III chỉ rõ, Hướng dẫn kiểm toán tại Quyết định số 1450/QĐ-KTNN còn chưa cụ thể. Theo Hướng dẫn, quá trình kiểm toán thực hiện “chọn mẫu một số BCQT ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách, một số BCQT vốn đầu tư công nguồn NSNN theo năm ngân sách của chủ đầu tư để so sánh, đối chiếu, đánh giá công tác quyết toán, thẩm định, xét duyệt” nhưng không hướng dẫn cụ thể nội dung, phạm vi so sánh, đối chiếu. Như vậy, các đơn vị còn băn khoăn: chỉ được so sánh, đối chiếu số liệu trên BCQT, biên bản thẩm định, xét duyệt; có được phép kiểm tra đối chiếu việc tổng hợp quyết toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách với sổ kế toán hay chứng từ kế toán (trong trường hợp xét đoán có gian lận) hay không?
Do đó, KTNN chuyên ngành III đề xuất cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Hướng dẫn kiểm toán cụ thể hơn về phạm vi, nội dung kiểm tra đối chiếu đối với việc chọn mẫu một số BCQT kinh phí hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách, một số BCQT vốn đầu tư công nguồn NSNN theo năm ngân sách của chủ đầu tư để so sánh, đối chiếu, đánh giá công tác quyết toán, thẩm định, xét duyệt.
Cũng cho rằng một số nội dung trong Hướng dẫn kiểm toán cần tiếp tục hoàn thiện, KTNN chuyên ngành II nêu: mẫu báo cáo kiểm toán vẫn chưa hoàn toàn theo hướng tiếp cận xác nhận tính trung thực hợp lý của BCQT theo khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính. Vì vậy, có thể nghiên cứu, chỉnh sửa mẫu tinh gọn hơn, tập trung vào nội dung xác nhận và đánh giá theo các tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đầy đủ của một BCQT ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các mẫu biểu về Kế hoạch kiểm toán, Biên bản kiểm toán, Biên bản xác nhận số liệu…
Cùng với đó, cần bổ sung các hướng dẫn đặc thù phát sinh riêng đối với các cuộc kiểm toán BCQT ngân sách nhưng KTNN chưa quy định, chưa hướng dẫn như: cách thức kết hợp giữa kiểm toán BCQT ngân sách Bộ, cơ quan trung ương và kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công của Bộ, cơ quan trung ương; rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát đối với kiểm toán BCQT ngân sách; nghiên cứu, hoàn thiện Chuẩn mực KTNN 1600 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn.
KTNN cần kiến nghị các Bộ, cơ quan trung ương chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc tuân thủ thời gian cung cấp báo cáo quyết toán cho KTNN…/.