Trong đó, SCIC - Chi nhánh miền Trung trực tiếp tiếp nhận từ các địa phương 27 doanh nghiệp với giá trị vốn 620 tỷ đồng. Hiện nay, số doanh nghiệp do SCIC - Chi nhánh miền Trung đang quản lý là 17 doanh nghiệp, với giá trị vốn SCIC 558 tỷ đồng/vốn điều lệ 1.425 tỷ đồng.
Tính riêng năm 2023, kết quả KPI của Chi nhánh miền Trung đạt 94,25%. Cụ thể, về công tác tiếp nhận doanh nghiệp, Chi nhánh được giao thực hiện tiếp nhận Công ty Cổ phần Khoáng sản Thừa Thiên Huế (vốn nhà nước 99,5 tỷ đồng, chiếm 98,6%/vốn điều lệ).
Ngoài ra, SCIC - Chi nhánh miền Trung đã rà soát và bổ sung thêm 02 doanh nghiệp thuộc địa bàn Chi nhánh quản lý trong danh mục doanh nghiệp đề xuất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC…
Về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2023, danh mục các doanh nghiệp do Chi nhánh quản lý bao gồm 17 doanh nghiệp, với giá trị vốn SCIC 558 tỷ đồng/1.425 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó có 08 doanh nghiệp vốn SCIC nắm giữ cổ phần chi phối.
Thông qua vai trò cổ đông, Chi nhánh đã trình, báo cáo lãnh đạo Tổng công ty chủ động tham gia xây dựng, quyết định và tổ chức thực hiện các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phương án kinh doanh; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý những tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...
Tính đến ngày 29/02/2024, số người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp do SCIC - Chi nhánh miền Trung quản lý là 28 người, trong đó 06 người là cán bộ của Chi nhánh.
Trong năm 2023, SCIC - Chi nhánh miền Trung cũng đã tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư, trong đó tập trung tìm kiếm nghiên cứu các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản…
Còn với SCIC - Chi nhánh phía Nam, trong năm 2023 được giao theo dõi thực hiện tiếp nhận 03 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Phước và Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng.
Theo đó, SCIC - Chi nhánh phía Nam đã thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, Sở Tài chính địa phương nơi doanh nghiệp đóng địa bàn để nắm bắt thông tin doanh nghiệp, cũng như ý kiến của địa phương trong việc bàn giao doanh nghiệp.
Trước bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế, SCIC - Chi nhánh phía Nam cũng đã tìm kiếm, nghiên cứu, đánh giá nhiều cơ hội đầu tư dự án và đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu, cổ phiếu…
Đánh giá cao những kết quả đạt được của SCIC - Chi nhánh miền Trung và SCIC Chi nhánh phía Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Cảnh Toàn vừa nhấn mạnh một số định hướng phát triển cho 02 đơn vị.
Một là, các Chi nhánh thực hiện tốt công tác xếp lại và xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.
Hai là, về công tác tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC cần tích cực phối hợp với các tỉnh và địa phương liên quan để có phương án chuyển giao hiệu quả các doanh nghiệp cho các Chi nhánh.
Ba là, về đầu tư, cần chủ động xây dựng chiến lược hoạt động của Chi nhánh để làm cơ sở hoạt động xuyên suốt trong thời gian tới. Song song với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ hội đầu tư khả thi, phù hợp để đóng góp vào việc thực hiện được kế hoạch đầu tư của SCIC theo đúng các nội dung đã được phê duyệt tại kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm đến 2025.
Bốn là, về công tác nhân sự và cơ cấu tổ chức, Tổng công ty SCIC và SCIC - Chi nhánh miền Trung, SCIC - Chi nhánh phía Nam cần xây dựng kế hoạch kiện toàn nhân sự, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các Chi nhánh./.