Chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), do Bộ KH&ĐT chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tiếp nối thành công năm 2023, Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.
Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra.
Theo ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, Chương trình năm nay diễn ra với 2 chủ đề trụ cột là: Tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ cho xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc.
Chương trình hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, Chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.
“Với “Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”, chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu” – ông Rafael Frankel nhấn mạnh.
Về cấu trúc, Chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 bao gồm 3 nhóm:
Nhóm doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo với các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng triển khai ở quy mô lớn.
Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo đã có các sản phẩm, dịch vụ thực tế về công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đã triển khai thực tế trên thị trường và đã có doanh thu.
Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startups): Các dự án đổi mới sáng tạo và công ty khởi nghiệp đang có các ý tưởng; đề xuất; mô hình tiếp cận mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị chung ngành bán dẫn & trí tuệ nhân tạo. Các Trường/ Viện đào tạo nghiên cứu, đã và đang hoạt động trong ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.