Quản lý thu chi thiếu chặt chẽ
Theo đánh giá của KTNN, trong quản lý chi đầu tư phát triển, Bộ GDĐT đã phân bổ kế hoạch vốn chậm. Năm 2022, số vốn trong nước được giao đã phân bổ 487,127 tỷ đồng/521,9 tỷ đồng (đạt 93%) và Bộ phải trả lại số vốn 34,773 tỷ đồng chưa phân bổ. Liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành, KTNN chỉ rõ thực trạng: 24/26 dự án lập hồ sơ trình phê duyệt quyết toán chậm; 3/26 dự án có thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán chậm; 21/21 dự án đã hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán theo quy định. Mặc dù Bộ GDĐT báo cáo không có nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng qua kiểm toán cho thấy, tại Dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu Kiên Giang của Trường Đại học Kiên Giang có nợ đọng xây dựng cơ bản 24,052 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chi tiết tại 2 dự án, KTNN còn phát hiện sai sót trong lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư của Dự án Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Dự án Trường Đại học Xây dựng tại Hà Nam. Công tác lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công ban đầu của 2 dự án còn chưa phù hợp, lập dự toán chưa chính xác, thừa thiếu khối lượng dẫn đến phải điều chỉnh làm tăng, giảm dự toán và khối lượng hợp đồng gói thầu; có sai sót trong khối lượng thanh, quyết toán nên qua kiểm toán phải giảm trừ 876,7 triệu đồng. Tại Dự án Trường Đại học Xây dựng tại Hà Nam còn nợ phải thanh toán cho nhà thầu số tiền 35,054 tỷ đồng…
Trong quản lý chi thường xuyên, Bộ GDĐT tổng hợp lập dự toán chậm, chưa đầy đủ căn cứ, thuyết minh; chưa giao dự toán thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các đơn vị; thực hiện điều chỉnh dự toán nhiều lần trong năm (15 lần)… Đối với chi sự nghiệp GDĐT, vẫn còn tình trạng cấp thừa và cấp thiếu: Kinh phí cấp bù miễn giảm học phí cấp thừa 8,472 tỷ đồng, cấp thiếu 15,921 tỷ đồng; kinh phí cấp bù sư phạm cấp thừa 11,065 tỷ đồng, cấp thiếu 306,779 tỷ đồng; kinh phí học bổng chính sách cho học sinh dân tộc cấp thừa 1,91 tỷ đồng, cấp thiếu 485 triệu đồng.
Về quản lý thu chi sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, KTNN đã phát hiện tình trạng thu học phí vượt quy định; bố trí kinh phí học bổng khuyến khích sinh viên chưa đủ tỷ lệ; chưa dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí để cho sinh viên và người học nghiên cứu khoa học. Một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu kịp thời; xác định thiếu các khoản phải nộp NSNN. Doanh thu, kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị còn thấp, chưa hiệu quả, một số đơn vị lỗ luỹ kế...
Theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập. Tuy nhiên, theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập chỉ có sinh viên hệ chính quy. Do vậy, việc phải bố trí học bổng trên toàn bộ số thu học phí bao gồm cả đối tượng sinh viên không phải hệ chính quy song chỉ để xét, cấp học bổng cho đối tượng sinh viên chính quy là chưa phù hợp.
Có sai sót trong quyết toán kinh phí
KTNN xác định số chênh lệch kinh phí quyết toán đối với nguồn kinh phí miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP tại một số đơn vị là 1,312 tỷ đồng, với nguồn kinh phí cấp bù sư phạm là 12,536 tỷ đồng. Cùng với đó là sai sót trong quyết toán kinh phí biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, chi tiền công vượt định mức ngày công nghiên cứu. Tại Văn phòng Bộ GDĐT đã triển khai nhiều gói thầu nhỏ lẻ đối với cùng nội dung mua sắm, sửa chữa của cùng một nhà thầu, cùng thời gian thực hiện.
Theo KTNN, Bộ GDĐT chưa thực hiện thẩm tra quyết toán và lập báo cáo quyết toán vốn NSNN nguồn viện trợ, nguồn vốn vay năm 2022. Một số Trường thuộc Bộ đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí của các dự án viện trợ không hoàn lại nhưng chưa kịp thời báo cáo Bộ về nhu cầu dự toán nên đến nay chưa được bố trí dự toán, làm thủ tục ghi thu - ghi chi, quyết toán.
Cùng với đó là tình trạng theo dõi và quản lý công nợ chưa chặt chẽ; chưa xử lý dứt điểm một số khoản công nợ, tạm ứng kéo dài. Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện việc kê khai và nộp tiền thuê đất. Còn đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê nhưng không có đề án hoặc có đề án chưa được phê duyệt; chưa thực hiện đấu giá sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê…
Do đó, cùng với những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN yêu cầu Bộ GDĐT phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, bất cập đã được KTNN chỉ ra. Trong đó, phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với việc để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản tại Dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu Kiên Giang của Trường Đại học Kiên Giang. Đồng thời, kiểm tra, rà soát kinh phí cấp cho học sinh, sinh viên thực hiện các chế độ, chính sách, khắc phục tình trạng kinh phí thừa, thiếu giữa các đơn vị. Tăng cường kiểm tra, rà soát, yêu cầu các chủ dự án nguồn viện trợ thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng vốn viện trợ đảm bảo đúng quy định…
Bộ cần khẩn trương tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; rà soát, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 8 Chương IV Nghị định số 84/2020/NĐ-CP theo hướng quy định học bổng khuyến khích học tập chi cho sinh viên được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí chính quy đối với trường công lập; rà soát sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản hết hiệu lực, những nội dung cần hướng dẫn chi tiết trong quá trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT./.
Bộ GDĐT chưa xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cấp Bộ và mới có 3/52 cơ sở đào tạo thuộc Bộ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về giá dịch vụ đào tạo. Báo cáo của các đơn vị cho thấy, việc triển khai gặp khó khăn, vướng mắc do một số văn bản áp dụng đã hết hiệu lực; quy định về quy mô lớp chuẩn 40 sinh viên không phù hợp với nhiều ngành nghề đào tạo về nghệ thuật, ngôn ngữ; hướng dẫn xây dựng định mức chi đặc thù chưa cụ thể như: Chi phí tuyển sinh, chi phí phát triển chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo.