Đại học Quốc gia Hà Nội: Nhiều hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(BKTO) - Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót và đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng đối với đơn vị này.

4a.jpg
Một góc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh minh họa: Vnexpress.net

Lập và phân bổ vốn chưa sát thực tế

Qua kiểm toán công tác chi đầu tư phát triển, KTNN chỉ ra, ĐHQGHN đã lập kế hoạch vốn cho 05 dự án khởi công mới với số vốn 231,2 tỷ đồng chiếm 19% kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa dự kiến đúng tiến độ triển khai; lập nhu cầu kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến vốn chưa giải ngân phải hủy dự toán hoặc chuyển năm sau, trong đó, số vốn chưa giải ngân bị hủy là 765,4 tỷ đồng.

Cùng với đó, ĐHQGHN đã phân bổ vốn cho 04 dự án vượt nhu cầu đăng ký vốn; phân bổ vốn cho 08 dự án chưa sát tình hình thực hiện, phải điều chỉnh vốn cho dự án khác trong năm; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 thấp (30,5%).

Trong chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, ĐHQGHN lập dự toán chưa sát thực tế, chưa thuyết minh đầy đủ cơ sở tính toán; lập dự toán kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu kèm theo; lập dự toán dự án tăng cường năng lực từ nguồn chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo không đúng tính chất nguồn kinh phí.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc lập dự toán chưa giảm tối thiểu 2-2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN theo quy định tại Thông tư số 61/2021/TT-BTC; chưa phân bổ hết dự toán được Bộ Tài chính giao 2 tỷ đồng; một số nhiệm vụ hoàn thiện thủ tục kéo dài dẫn đến cuối năm không thực hiện được phải hủy dự toán 46,4 tỷ đồng.

Cũng theo KTNN, ĐHQGHN giao dự toán chậm, điều chỉnh dự toán nhiều lần ảnh hưởng đến tính chủ động trong quản lý, điều hành của các đơn vị; giao, điều chỉnh dự toán không đúng tính chất nguồn kinh phí, chưa phù hợp loại kinh phí sự nghiệp; giao dự toán chưa có đầy đủ cơ sở, định mức; điều chỉnh kinh phí của dự án tăng cường năng lực và chi chính sách hỗ trợ sinh viên (trong quyết định giao dự toán đầu năm của Bộ Tài chính) sang chi quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và chi khác nhưng Bộ Tài chính ban hành văn bản trả lời, chưa thể hiện thống nhất hay không thống nhất với đề xuất điều chỉnh của ĐHQGHN.

Thu học phí cao hơn quy định

Báo cáo kiểm toán cũng nêu rõ, ĐHQGHN đã chi vượt tiêu chuẩn giờ giảng quá 300 giờ/năm, chưa phù hợp quy định; một số trường có giảng viên không đảm bảo định mức giờ dạy, giờ nghiên cứu khoa học.

sinh-vien.jpg
KTNN chỉ ra những bất cập trong công tác thu học phí của ĐHQGHN. Ảnh minh họa: congthuong.vn

Cùng với đó, công tác đấu thầu mua sắm, cung cấp dịch vụ chưa đảm bảo quy định; thanh toán một số nội dung bằng tiền mặt chưa đảm bảo quy định; một số khoản chi vượt hoặc chưa được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ.

Việc xác định kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) cấp bù học phí năm học 2022-2023, chi đào tạo lưu học sinh Lào vượt so với quy định. Đồng thời, công tác hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chưa đầy đủ, kịp thời.

Cũng theo kết quả kiểm toán, các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN đã tiếp nhận, sử dụng kinh phí viện trợ cho chương trình học bổng, dự án nghiên cứu... nhưng chưa có đầy đủ quyết định giao dự toán của ĐHQGHN, chưa hoàn thành các thủ tục xác nhận viện trợ, hạch toán, ghi hoàn tạm ứng. ĐHQGHN cũng chưa ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ theo quy định.

Liên quan đến hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kết quả kiểm toán chỉ rõ, một số trường thu học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức học phí năm học 2021-2022, chưa phù hợp quy định của Chính phủ; thu học phí một số ngành học, học phí bằng đại học thứ hai cao hơn quy định; mức thu học phí trung học cơ sở và trung học phổ thông hệ không chuyên cũng chưa phù hợp quy định của Chính phủ và quy định của HĐND Thành phố Hà Nội.

KTNN kiến nghị, ĐHQGHN chấm dứt việc thực hiện thu học phí vượt và thu chưa có trong quy định; rà soát mức thu học phí năm học 2022-2023 tại các trường chưa được kiểm toán chi tiết, xác định số liệu chênh lệch giữa số đã thu học phí, số NSNN cấp bù kinh phí miễn giảm học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức học phí năm học 2021-2022 để hoàn trả học sinh, sinh viên, trường hợp không hoàn trả được thì nộp NSNN; xử lý các khoản nợ đọng học phí.

Đồng thời, chỉ đạo các trường đào tạo hệ THCS, THPT xây dựng mức thu học phí báo cáo ĐHQGHN, UBND Thành phố Hà Nội để thực hiện thủ tục trình HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, quyết định trước khi thực hiện, đảm bảo đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, còn tình trạng chi các khoản có tính chất phúc lợi hoặc thu nhập tăng thêm trực tiếp từ chi phí sản xuất kinh doanh dịch vụ mà không chi từ Quỹ là không phù hợp quy định. Một số khoản chi chưa được quy định cụ thể về nội dung, định mức, đối tượng và chi vượt mức tại Quy chế chi tiêu nội bộ, quy định của Nhà nước…

Một số đơn vị chưa dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN; chưa dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học; trích quỹ học bổng chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 8% học phí hệ chính quy.

KTNN cũng nêu rõ tồn tại liên quan đến việc xác định thiếu các khoản phải nộp NSNN; trích thiếu kinh phí tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; một số đơn vị có kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ lỗ; nợ đọng học phí lớn tại một số trường. Một số trường tổ chức tiếp nhận, đào tạo, quản lý người nước ngoài thuộc đối tượng ngoài hiệp định tham gia học tập tại đơn vị chưa tuân thủ quy định.

Thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản công

Về công tác quản lý và sử dụng tài sản công, kết quả kiểm toán chỉ ra, một số đơn vị chưa thực hiện rà soát, sắp xếp lại, xử lý máy móc, thiết bị và tài sản công khác, mua xe ô tô phục vụ công tác chưa đảm bảo quy định. Một số đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản nhưng chưa có Đề án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Kết quả kiểm toán cho thấy, còn 51/92 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục nhưng chưa được các đơn vị xây dựng hoặc trình ĐHQGHN thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật (ĐMKTKT) giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định. Một số chương trình đào tạo đã được ĐHQGHN phê duyệt còn khoản chi chưa thuyết minh cụ thể, đầy đủ các số liệu, tài liệu làm căn cứ, cơ sở tính toán; có tỷ lệ chi cao hơn mức khung quy định tối đa theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT hoặc xác định ĐMKTKT nhưng thực tế sẽ không phát sinh. Một số ĐMKTKT được ĐHQGHN phê duyệt trước khi ban hành Chương trình đào tạo chuẩn.

Bên cạnh đó, KTNN chỉ ra tình trạng giao khoán khai thác cơ sở vật chất không xuất hoá đơn, không nêu rõ diện tích khai thác, cơ sở vật chất, chưa xác định được đối tượng trực tiếp sử dụng mặt bằng, cơ sở xác định giá khai thác, giao khoán không có cơ sở xác định mức khoán; một số đơn vị còn để đơn vị bên ngoài chiếm dụng hoặc chưa bàn giao tài sản sau khi kết thúc hợp đồng thỏa thuận, hợp tác, cho thuê; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan về nộp tiền thuê đất.

Một số đơn vị chưa đối chiếu xác nhận đầy đủ các khoản công nợ chi tiết theo từng đối tượng, nội dung; chưa thu hồi hoặc chưa có phương án xử lý đối với một số khoản tạm ứng dư cuối kỳ; chưa có phương án hoặc chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ kéo dài.

Với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, KTNN kiến nghị ĐHQGHN xử lý tài chính gần 1,6 tỷ đồng, gồm: tăng thu NSNN 446,4 triệu đồng; thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai quy định, hết nhiệm vụ chi 770 triệu đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau 262,8 triệu đồng và hủy dự toán 116,8 triệu đồng.

Đồng thời, kiến nghị xử lý khác 67,7 tỷ đồng; gồm: giảm trích các Quỹ, chuyển chi các khoản chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí 4,7 tỷ đồng; hoàn trả người học các khoản thu vượt quy định, trong trường hợp không hoàn trả được thì thu hồi nộp NSNN 60,5 tỷ đồng; làm thủ tục ghi thu, ghi chi hoàn ứng nguồn viện trợ 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, ĐHQGHN cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, thiếu sót; kiểm điểm làm rõ, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định của pháp luật đối một số tồn tại, hạn chế đã được KTNN chỉ ra.

Trong đó, ĐHQGHN cần chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí không đúng chế độ quy định; rà soát, kiểm tra và tổng hợp số kinh phí sử dụng không đúng nguồn kinh phí báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức hoạt động đối với các trường có các đơn vị trực thuộc hoạt động kinh doanh thua lỗ đảm bảo hoạt động hiệu quả; chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và xem xét, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục
Đại học Quốc gia Hà Nội: Nhiều hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công