Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xử lý tài chính 1,25 tỷ đồng sau kiểm toán kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ

(BKTO) - Năm 2023, qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2020-2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 1,258 tỷ đồng, gồm thu hồi nộp ngân sách 365 triệu đồng; hủy dự toán kinh phí đã cấp cho các đề tài, dự án nhưng không triển khai hoặc hết thời gian thực hiện 893 triệu đồng.

nckh.jpg
Đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ là cần thiết. Ảnh minh họa: baolangson.vn

Phân bổ kinh phí không căn cứ vào tình hình thực hiện

Theo ghi nhận của KTNN, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 của Bộ GDĐT là 708,101 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này cơ bản được phân bổ, sử dụng cho các nhiệm vụ KHCN được giao.

Số nhiệm vụ KHCN được Bộ GDĐT thực hiện trong giai đoạn 2020-2022 là 1.156 nhiệm vụ, trong đó có 272 nhiệm vụ KHCN chuyển tiếp và 884 nhiệm vụ KHCN mở mới (305 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, 819 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, 10 nhiệm vụ triển khai thực nghiệm và 22 nhiệm vụ nghiên cứu khác).

Nhiều kết quả nghiên cứu là sản phẩm khoa học đã được đăng trên các báo, tạp chí khoa học quốc tế và được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên và giảng viên nghiên cứu, phục vụ cho công tác học tập và đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít thiếu sót, bất cập đã được KTNN chỉ ra sau khi thực hiện kiểm toán Chuyên đề này. Trong đó, Bộ GDĐT đã lập dự toán đối với một số đề tài, nhiệm vụ mở mới khi chưa được thẩm định và phê duyệt dự toán kinh phí của cấp có thẩm quyền, chưa đúng với hướng dẫn của Bộ KHCN và Bộ Tài chính; giai đoạn 2020-2022, Bộ đã lập dự toán nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí theo quy định.

Mặc dù việc phân bổ dự toán thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Bộ chưa tổ chức thẩm định dự toán kinh phí, thẩm định nội dung; giao dự toán kinh phí cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu KHCN chưa phù hợp với tính chất nguồn kinh phí theo quy định; phân bổ kinh phí thực hiện các đề tài không căn cứ vào tình hình thực hiện và khả năng giải ngân; phân bổ kinh phí thực hiện một số chương trình không đúng với số giao của Bộ Tài chính.

Tại Bộ GDĐT, có các nhiệm vụ được ưu tiên giao dự toán nhưng thực hiện không đúng tiến độ, phải gia hạn dẫn đến số dư chuyển nguồn các năm lớn, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn được bố trí; thậm chí có cả đề tài không thực hiện nhưng chưa kịp thời hủy dự toán.

Công tác thẩm định, phê duyệt nội dung thực hiện còn chưa phù hợp; biên bản họp thẩm định kinh phí không chi tiết nội dung các khoản chi, các thành viên không đánh giá sự phù họp về dự toán kinh phí; nhiều nhiệm vụ thực hiện không đúng tiến độ, phải gia hạn nhiều lần, dẫn đến nguồn vốn NSNN đã bố trí phải gia hạn, kéo dài, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn được bố trí.

Công tác thẩm định, phê duyệt thuyết minh các nhiệm vụ thuộc Chương trình KHCN còn chậm, không phù hợp với thời gian được duyệt; phê duyệt nhiều nội dung giống nhau giữa các dự án nâng cấp tạp chí đạt chuẩn quốc tế mà không có tính kế thừa, lan tỏa, thuyết minh các nội dung mua sắm trong dự án không kèm báo giá...

Giao đơn vị chủ trì ký hợp đồng chưa đúng quy định

Điều đáng chú ý được KTNN chỉ ra là một số đề xuất đề tài cấp Bộ chưa đủ bằng chứng để xác định cá nhân đề xuất có được ưu tiên làm chủ nhiệm đề tài hay không; hồ sơ xét chọn đề tài không lưu các biên bản tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định, tuyển chọn đề tài.

bgd.jpg
Bộ GDĐT giao cho đơn vị chủ trì ký hợp đồng thực hiện đề tài là chưa đúng với quy định. Ảnh minh họa: Bộ GDĐT

Cùng với đó là hàng loạt những hạn chế được phát hiện qua kiểm toán, như Bộ GDĐT giao cho đơn vị chủ trì ký hợp đồng thực hiện đề tài là chưa đúng với quy định; thời điểm ký kết hợp đồng còn chưa phù hợp với thời gian bắt đầu thực hiện.

Bộ chưa theo dõi sát sao và có biện pháp xử lý, đôn đốc kịp thời đối với đề tài chậm, muộn nên nhiều đề tài thực hiện chậm tiến độ phải gia hạn; một số đề tài tuy phải gia hạn nhưng vẫn được xếp loại Xuất sắc. Việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện còn chưa thực hiện đúng theo quy định; giai đoạn 2020-2022, còn có 16 đề tài dừng thực hiện và 10 đề tài nghiệm thu không đạt.

Bộ GDĐT cũng chưa thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước; các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ chưa lập đầy đủ báo cáo về tài sản theo quy định.

Công tác lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN chưa tốt ở cả cấp Bộ và các đơn vị chủ trì nên công tác số hóa, lưu trữ hồ sơ và công bố kết quả nghiên cứu chưa được đầy đủ.

Bộ GDĐT không chuyển giao kết quả sản phẩm của đề tài. Nguyên nhân do kinh phí đầu tư thấp không đủ để thực hiện các giai đoạn nghiên cứu triển khai hình thành và phát triển một sản phẩm công nghệ; trình độ năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ còn ở mức rất thấp; nhiệm vụ KHCN cấp Bộ phần lớn mang tính lý thuyết, hàn lâm, phục vụ nghiên cứu và đào tạo là chính.

Kết quả kiểm toán của KTNN

Theo KTNN, để dẫn đến những hạn chế trên có phần nguyên nhân do văn bản quản lý các nhiệm vụ KHCN còn bất cập. Đơn cử, tại khoản 2 Điều 22 Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT quy định “Điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài cấp Bộ chỉ được thực hiện một lần” mà chưa quy định về số lần gia hạn và thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp đặc biệt.

Tại Điều 19 của Thông tư này quy định: “Hợp đồng thực hiện đề tài cấp Bộ” giao Thủ trưởng tổ chức chủ trì đề tài ký hợp đồng thực hiện với Chủ nhiệm đề tài - theo KTNN, điều này chưa phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật KHCN số 29/2013/QH13 và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP.

Mặt khác, theo Mẫu số 13 “Hợp đồng thực hiện đề tài KHCN cấp Bộ” và Mẫu 29 “Biên bản thanh lý hợp đồng thực hiện đề tài KHCN cấp Bộ” được ký giữa bên đặt hàng (Bộ GDĐT) và bên nhận đặt hàng (đại diện Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm đề tài), do đó, việc giao cho Thủ trưởng Tổ chức chủ trì đề tài ký hợp đồng thực hiện đề tài cấp Bộ với Chủ nhiệm đề tài là chưa phù hợp.

Tại một văn bản khác - Thông tư số 56/2012/TT-BGDĐT quy định về quản lý nhiệm vụ hợp tác song phương về KHCN cấp Bộ của Bộ GDĐT đến thời điểm kiểm toán (năm 2023) vẫn còn hiệu lực, thế nhưng các văn bản căn cứ của Thông tư đã hết hiệu lực từ năm 2014.

Cụ thể, Nghị định số 81/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KHCN đã hết hiệu lực vào tháng 3/2014. Mặt khác, Luật KHCN số 29/2013/QH13 và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP chưa quy định giao cho các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ hợp tác song phương về KHCN cấp Bộ và Thông tư số 10/2019/TT- BKHCN có quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN theo nghị định thư do Bộ KHCN chủ trì.

Qua thực tế kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GDĐT cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các bất cập, tồn tại đã được KTNN chỉ ra. Đồng thời, phải sửa đổi Điều 19 Thông tư số 11/2016/TT- BGDĐT cho phù hợp với Luật KHCN và các văn bản hướng dẫn Luật; sửa đổi, bổ sung Điều 22 về số lần gia hạn và thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp đặc biệt. Rà soát tính pháp lý của các văn bản làm căn cứ sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 56/2012/TT-BGDĐT cho phù hợp với quy định hiện hành.

Cùng chuyên mục
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xử lý tài chính 1,25 tỷ đồng sau kiểm toán kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ