Top 5 chiến lược ưu tiên của các DN lớn nhất Việt Nam trong năm 2020
Kết quả sản xuất kinh doanh biến động mạnh
Theo đánh giá của các DN lớn, năm 2020 là một năm đầy biến động, không chỉ các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế nhỏ, mà ngay cả các cường quốc lớn cũng phải chịu những tổn thất nặng nề. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra những tác động nghiêm trọng, như: khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp không ngừng gia tăng, số DN giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất rất lớn...
Trong khảo sát cộng đồng DN lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report thực hiện vào tháng 10/2020, các DN cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh và doanh thu của DN đều có những biến động mạnh. Chỉ có 24,4% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết tháng 9/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019; 36,6% DN đánh giá tình hình cơ bản ổn định, trong khi có tới 39% DN cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh bị sụt giảm. Khi được hỏi về biến động doanh thu 9 tháng năm 2020, có tới 41,5% DN cho biết doanh thu bị giảm so với cùng kỳ năm 2019; 14,6% DN cho biết chỉ tiêu này là cơ bản ổn định. Tín hiệu khả quan được ghi nhận là 43,9% DN chia sẻ doanh thu của họ tăng.
Qua khảo sát, các DN lớn chia sẻ 4 rào cản ảnh hưởng nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong năm 2020, đó là: Thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng giảm do dịch Covid-19 (94,2%); Tăng trưởng kinh tế không ổn định (63,5%); Chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn (59,6%); Gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng (57,7%).
Tại Việt Nam, tuy dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt và cuộc sống người dân dần đi vào ổn định kể từ đầu tháng 9/2020 nhưng những hậu quả của đại dịch này đối với nền kinh tế vẫn chưa kết thúc và các DN nói chung, các DN lớn nhất Việt Nam nói riêng, hiện đang nỗ lực vực dậy, phục hồi sau dịch. Trên thực tế, 4 rào cản, thách thức trên đều xuất phát từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đây là rủi ro mà các DN không thể lường trước được. Do đó, hầu hết các DN đều rơi vào trạng thái bị động và phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tại thời điểm dịch bệnh mới xảy ra.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, ở thời điểm hiện tại, các DN đã thực hiện một số chiến lược ứng phó với những tác động tiêu cực trong và sau đại dịch. Cụ thể, Top 5 chiến lược ưu tiên của các DN trong năm 2020 như sau: 90,4% DN quyết định tăng cường đào tạo nhân viên, tối đa hóa nguồn nhân lực; 86,5% DN lựa chọn giảm thiểu chi phí; 73,1% DN thực hiện các giải pháp tăng cường ưu thế cạnh tranh; 53,8% DN tăng cường nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số và 42,3% DN tập trung đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng.
Doanh nghiệp chủ động hơn nhưng vẫn cần chính sách hỗ trợ
Kết quả khảo sát cũng ghi nhận những phản hồi, đánh giá kỹ năng, hiểu biết của nhân viên về nền tảng công nghệ thông tin; tư duy hệ thống; khả năng sử dụng công nghệ tự động hóa; khả năng phân tích dữ liệu; khả năng bảo mật thông tin, an ninh dữ liệu… tại DN. Theo đó, khoảng 50% nhân viên của các DN được đánh giá ở mức tốt, khoảng 40% nhân viên ở mức đáp ứng yêu cầu, còn lại là mức yếu. Từ thực trạng này, hầu hết các DN chia sẻ họ tiếp tục lựa chọn tăng cường đào tạo nhân viên là chiến lược ưu tiên trong năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các DN đều thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư, kinh doanh. Có 58,1% DN được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ mở rộng đầu tư đối với lĩnh vực kinh doanh chủ lực hiện tại; 37,2% dự kiến giảm mức đầu tư kinh doanh xuống và 4,7% DN giữ nguyên quy mô hiện có.
Chia sẻ về kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong 2 năm tới, 48,8% DN tham gia khảo sát quyết định không mở rộng sang các dự án và lĩnh vực kinh doanh mới; 51,2% DN có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh sang lĩnh vực mới. Trong số các DN có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh, có 52,2% DN sẽ tiến hành tìm kiếm thị trường mới, 30,2% DN cho biết sẽ thực hiện các dự án liên doanh, liên kết và 11,6% DN sẽ thực hiện các dự án mua bán và sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các DN lớn cho biết, họ quan tâm hàng đầu đến việc duy trì dòng tiền ổn định và cân đối thu - chi. Để đạt được điều này, không thể chỉ dựa vào nội lực của DN mà cần nhờ đến sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ, cho vay ưu đãi. Thời gian qua, thể hiện quyết tâm đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã tung ra các gói hỗ trợ DN, ban hành các nghị quyết về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Cùng với đó là nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Tiếp tục đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới, 76,7% DN lớn được khảo sát mong muốn Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế; 74,4% DN kỳ vọng giảm lãi suất tín dụng; 67,4% DN cần Chính phủ tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra. Ngoài ra, 65,1% DN đề xuất Chính phủ cải thiện môi trường pháp lý; 55,8% kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và 51,2% DN đề xuất cải thiện cơ sở hạ tầng.
PHÚC KHANG