Tại các nước đang phát triển, DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. DNNN có thể giảm bớt gánh nặng của Chính phủ bằng cách cung cấp hàng hóa và dịch vụ công quan trọng, đồng thời tạo thu nhập thông qua nộp thuế và chia cổ tức.
Ngược lại, khi các DNNN hoạt động kém hiệu quả, đây có thể là nguồn rủi ro lớn đối với tài chính công và nền kinh tế nói chung. Với tư cách là cơ quan hành pháp, Chính phủ có trách nhiệm trong quá trình quản lý hoạt động của các DNNN để tránh những hậu quả đáng kể cho ngân sách.
3 phương pháp tiếp cận trong kiểm toán tính hiệu quả
Các DNNN thường có quy mô và sở hữu khối tài sản lớn, phân bổ rất rộng. Do đó, để thực hiện kiểm toán tính hiệu quả, KTV cần có cách tiếp cận hợp lý, khoa học.
Theo đó, KTV có thể tiếp cận theo 3 phương pháp trong kiểm toán hoạt động, bao gồm: Kiểm toán dựa trên hệ thống, kiểm toán dựa trên kết quả hoạt động, tiếp cận kiểm toán theo vấn đề hoặc kết hợp các phương pháp này trong quá trình kiểm toán.
Phương pháp tiếp cận hệ thống có thể được sử dụng trong kiểm toán tính hiệu quả theo một trong ba cách sau: Kiểm toán chiến lược tổng thể của thực thể và tập trung vào hiệu quả, kiểm toán các hệ thống và thực tiễn liên quan đến hiệu quả trong một chương trình cụ thể, việc kiểm toán có thể kết hợp hai phương án này.
Phương án cụ thể được chọn sẽ phụ thuộc vào kiến thức về hoạt động kinh doanh và phân tích của KTV về mức trọng yếu và rủi ro. Các báo cáo được quan tâm như hệ thống đo lường và báo cáo hiệu suất, hệ thống chi phí và hệ thống quản lý để đánh giá hiệu suất của tổ chức.
Với phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả, trọng tâm là xác định xem một chương trình hoặc các hoạt động có những sản phẩm đầu ra, kết quả như thế nào. Tiếp đó, KTNN thực hiện việc so sánh hiệu suất hiện tại với các tiêu chuẩn, đường cơ sở hoặc các mục tiêu hiệu suất chính.
Khi thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả, KTV cần quan tâm tới các chỉ số đo lường hiệu quả. Nếu các thông tin về kết quả của đơn vị được kiểm toán đã được xây dựng và thực hiện, KTV sẽ cần thực hiện thêm công việc để xác minh độ tin cậy của các thông tin về dữ liệu hiệu suất chính. Trong trường hợp không có các thông tin, báo cáo về đo lường hiệu quả, KTV cần xây dựng và trao đổi với ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về tính khả thi, hợp lý của các tiêu chí được sử dụng để đo lường.
Phương pháp tiếp cận theo vấn đề sẽ quan tâm tới việc “chính sách của chính phủ muốn giải quyết vấn đề gì?” Tương tự, những giả thuyết nào có thể được đưa ra cho nguyên nhân thành công hay thất bại? (ISSAI 3100/60). Bởi lẽ, các chính sách của Chính phủ về DNNN đưa ra nhằm nỗ lực thực hiện để xác định liệu chính sách đó có tạo ra giá trị xã hội phù hợp hay không. Do đó, KTV xác định liệu chính sách có phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận về công bằng, kinh tế, hiệu quả, hiệu lực hay không.
Những câu hỏi cần được giải đáp
Hiệu quả là tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có hoặc tận dụng tối đa các yếu tố đầu vào về chất lượng và số lượng. Nói cách khác, hiệu quả có nghĩa là tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực để đạt được một kết quả nhất định. Cách tiếp cận theo định hướng hệ thống không tập trung chủ yếu vào chính sách hoặc mục tiêu mà thay vào đó xem hệ thống chính phủ hiệu quả như một điều kiện cho các chính sách hiệu quả và hiệu quả.
Cách tiếp cận này có thể sử dụng các câu hỏi mô tả như: Mục tiêu của hệ thống DNNN là gì? Ai là người chịu trách nhiệm quản lý DNNN? Trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ thống các DNNN là gì? Những quy tắc, quy định và thủ tục nào có liên quan? Các luồng thông tin liên quan là gì?
Sau khi đã xây dựng được bức tranh toàn cảnh về hệ thống sở hữu và cơ sở lý luận của DNNN, nhiều câu hỏi mang tính quy phạm hơn có thể được giải đáp trong giai đoạn thứ hai.
Các câu hỏi kiểm toán được đề xuất ở đây là: Có chính sách chính thức nào về quyền sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm tối đa hóa giá trị cho xã hội và đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả không? Chính sách sở hữu có đặt ra cơ sở và tiêu chí tổng thể về sở hữu nhà nước và vai trò của nhà nước trong quản lý DNNN không? Chính sách sở hữu có tuân theo các thủ tục giải trình trách nhiệm chính trị và các kết quả có được công bố và đánh giá thường xuyên trong phạm vi công cộng không?
Để giải đáp các vấn đề trên, đối với phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên hệ thống về tính hiệu quả, trọng tâm cần được quan tâm là các hệ thống quản lý và thực tiễn, bao gồm các hệ thống kiểm soát nội bộ, các dịch vụ hoặc hoạt động quản lý của đơn vị được kiểm toán như: Cam kết và phong cách quản trị, lập kế hoạch, kế hoạch hoạt động, quản lý dự án và vận hành, hệ thống công nghệ thông tin, giám sát và báo cáo hiệu suất, cải tiến và đổi mới liên tục.
Đối với phương pháp tiếp cận kiểm toán theo định hướng kết quả, kết quả và đầu ra mong muốn tương phản với kết quả và đầu ra thực tế (ISSAI 3100/59). Các câu hỏi kiểm toán hoạt động theo cách tiếp cận này thường là:
Đối tượng được kiểm toán: DNNN có xây dựng mục tiêu? Xác định và mô tả nhóm đối tượng của chính sách? Xác định hình thức và mức độ bao phủ cần thiết của nhóm mục tiêu? Mô tả đầu ra cần đạt được theo mục tiêu? Cung cấp đủ ngân sách và phương tiện để đạt được mục tiêu? Thông báo cho nhóm mục tiêu? Tiếp cận nhóm đối tượng theo hình thức và mức độ yêu cầu? Đảm bảo rằng có sẵn thông tin liên quan, đáng tin cậy và hợp lệ để cung cấp bằng chứng về việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra? Có thành công trong việc cung cấp đầu ra không? Có thành công trong việc đạt được các mục tiêu không?
Khi sử dụng phương pháp tiếp cận theo định hướng vấn đề, các KTV cần đưa ra các câu hỏi kiểm tra hoạt động liên quan: Chính sách này muốn giải quyết vấn đề xã hội nào? Kết quả dự kiến, kết quả đầu ra, mục tiêu của chính sách là gì? Có khoảng cách nào giữa mục tiêu chính sách và việc thực hiện chính sách không? Nguyên nhân của khoảng cách này là gì? Yếu tố nào quyết định sự thành công hay thất bại? Chi phí của chính sách là bao nhiêu?
Đánh giá và giám sát hiệu quả hoạt động của các DNNN một cách liên tục có thể giúp xác định và giảm thiểu các rủi ro trong nền tài chính công. Do đó, khi thực hiện kiểm toán tính hiệu quả trong DNNN, KTV cần linh hoạt trong việc sử dụng phương pháp tiếp cận để đưa ra các kiến nghị kịp thời nhằm hướng tới phát triển bền vững và chất lượng cho DNNN./.
Tài liệu tham khảo
1. The Internal Organisation of Supreme Audit Institution, Framework of Professional Pronouncements (2016), Standar of Performance Audit, ISSAI 3000.
2. Allen, R. & S. Vani, ‘Financial Management and Oversight of State-Owned Enterprises,’ in: Allen, R., R. Hemming and B. Potter, eds. The international handbook of public financial management. Springer, 2013, pp. 685–707.
3. Melesse Tashu (IMF), Abeid Mzee (MoFP), and Chelaus Rutachururwa (IMF), 2022, Assessing fiscal risks from state-owned enterprises.