Kiểm toán giao thông công cộng - kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam và Trung Quốc

(BKTO) - Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế đòi hỏi cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng ngày càng phải hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu di chuyển tại các thành phố lớn. Theo đó, việc kiểm toán quản lý, điều hành vận tải công cộng chính là nhu cầu thiết yếu của mỗi quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thể hiện trên khía cạnh gìn giữ môi trường, không gây ô nhiễm.

Đó là thông điệp được đại diện các cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam, Trung Quốc nhấn mạnh tại Hội thảo “Kiểm toán quản lý, điều hành vận tải công cộng” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Kiểm toán giao thông công cộng chỉ ra nhiều bất cập

Từ thực tiễn kiểm toán giao thông công cộng tại địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động, KTNN khu vực I (KTNN Việt Nam) cho biết, KTNN Việt Nam đã thực hiện 02 cuộc kiểm toán có liên quan đến giao thông đô thị, gồm kiểm toán hoạt động Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội và kiểm toán hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án Hợp phần xây dựng, Hợp phần tăng cường thể chế thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

brt.jpg
KTNN Việt Nam đã thực hiện 02 cuộc kiểm toán liên quan đến giao thông đô thị. Ảnh: ST

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số hạn chế trong việc triển khai xây dựng Dự án và thực hiện các hợp phần của Dự án như: về chấp hành các quy định trong thực hiện dự án, tiến độ, hướng tuyến xây dựng Dự án trùng điểm đầu cuối và chạy song song với tuyến đường sắt trên cao 2A nên mất nhiều thời gian nghiên cứu điều chỉnh tuyến; việc phân tích, dự báo nhu cầu hành khách đi BRT chưa chính xác, thực trạng giao thông trên tuyến BRT thí điểm hiện nay có lưu lượng phương tiện rất cao, nhiều điểm giao cắt, thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm; việc dành làn đường riêng cho BRT (chiếm khoảng 1/3 chiều rộng mặt cắt đường hiện tại) khó có thể đáp ứng mục tiêu góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí còn có nguy cơ làm gia tăng tình trạng ùn tắc...

Ông Bùi Thanh Lâm - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I (KTNN Việt Nam) cho biết, KTNN thực hiện kiểm toán một vấn đề của giao thông công cộng nhằm phục vụ công tác quản lý ngân sách khi nguồn kinh phí nhà nước đã cấp ra để đầu tư, cũng như đánh giá công tác quản lý, điều hành của địa phương, nhất là của Sở Giao thông vận tải, cũng như đánh giá hoạt động thực hiện dự án của các doanh nghiệp nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhân dân.

Trong các báo cáo kiểm toán, KTNN Việt Nam đã có những kiến nghị chung được đưa ra cho UBND cấp tỉnh, các cơ quan của Chính phủ và những kiến nghị cụ thể đối với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành các phương tiện công cộng.

Chẳng hạn, KTNN kiến nghị Sở Giao thông vận tải chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, phương tiện vận tải; kiến nghị Sở Tài chính chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, cấp kinh phí cho các hoạt động trợ giá; kiến nghị các doanh nghiệp tham gia vận tải phải đảm bảo mục tiêu đề ra của dự án cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân; giúp tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý kinh phí nhà nước cấp để hỗ trợ cho hoạt động vận tải công cộng.

asc_1698.jpg
Các đại biểu KTNN Trung Quốc trao đổi tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ông LUO Tao - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Tài nguyên, sinh thái và môi trường (KTNN Trung Quốc) cho biết, trong lĩnh vực kiểm toán giao thông công cộng, KTNN Trung Quốc đã xem xét toàn diện sự phát triển giao thông bền vững ở các thành phố trên toàn quốc, lấy Thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam - Chu Châu - Tương Đàm làm đối tượng kiểm toán chuyên đề.

Trong đó, KTNN Trung Quốc tập trung đánh giá việc quy hoạch và thiết kế giao thông bền vững ở khu vực Hồ Nam - Chu Châu - Tương Đàm, bao gồm quy hoạch mạng lưới đường đô thị, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng các công trình tiện lợi.

KTNN cũng đánh giá tình hình đầu tư vào các dự án giao thông công cộng liên thành phố và đánh giá hiệu quả đầu tư công cộng, bao gồm đầu tư xây dựng giao thông công cộng, trợ cấp giao thông công cộng và đánh giá hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông xanh đô thị, bao gồm khuyến khích sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng mới, xây dựng trạm sạc điện và phát triển giao thông thông minh…

KTNN Trung Quốc đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại như cần phải tích hợp hệ thống quản lý phát triển giao thông đô thị, nâng cao chất lượng kết nối giao thông và trung chuyển hiệu quả; cải thiện việc tích hợp giao thông khu vực, giao thông đô thị và cộng đồng; tối ưu hóa việc phân cấp cơ sở hạ tầng giao thông, vừa nâng cao hiệu quả phát triển giao thông công cộng vừa cải thiện mức độ số hóa của giao thông xanh, giao thông thông minh.

Đồng thời, qua kiểm toán đưa ra các khuyến nghị như tăng cường hơn nữa sự phối hợp, thúc đẩy cải tiến và thực hiện các cơ chế phối hợp, cải thiện mạng lưới giao thông ba chiều toàn diện và đẩy nhanh việc xây dựng các đầu mối giao thông.

Cần áp dụng cả 3 loại hình kiểm toán

a-lam-2.jpg
Ông Bùi Thanh Lâm - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I (KTNN Việt Nam) trao đổi tại Hội thảo

Từ kinh nghiệm của phía KTNN Trung Quốc, ông CUI Zhenglong - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế cũng nêu, mục tiêu tổng thể của kiểm toán giao thông công cộng là đối chiếu các quy định chính sách pháp luật và quản lý có liên quan, tập trung vào các phương thức chính về vận hành quyền lực công và huy động, sử dụng vốn công, rà soát việc thực hiện quy hoạch, quản lý dự án, sử dụng vốn, di dân tái định cư và bảo vệ môi trường sinh thái…

Qua đó chỉ ra các vấn đề như việc thực hiện chưa hiệu quả các chính sách quan trọng, các rủi ro tiềm tàng lớn, các tổn thất, lãng phí lớn, cũng như các hành vi vi phạm quy định, luật pháp nghiêm trọng.

Đồng thời thúc đẩy thực hiện các chính sách liên quan và chuẩn hóa quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu quả vốn công. Đặc biệt, cơ quan KTNN còn đi sâu phân tích nguyên nhân của tồn tại, từ thể chế, cơ chế đến công tác quản lý, đưa ra các đề xuất có mục tiêu rõ ràng, đẩy mạnh việc tối ưu hóa điều chỉnh chính sách và cải cách thể chế trong lĩnh vực giao thông công cộng.

"Như vậy, nội dung chính của kiểm toán giao thông công cộng bao gồm 4 khía cạnh: tình hình thực hiện các biện pháp chính sách lớn; tình hình sử dụng quản lý vốn và xây dựng dự án; tình hình thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và tình hình hiệu quả đầu tư" - ông CUI Zhenglong nhấn mạnh.

a-hieu.jpg
Ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng, KTNN khu vực I (KTNN Việt Nam) trao đổi tại Hội thảo

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu cho rằng, cần phải thực hiện kiểm toán giao thông công cộng bằng cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ) nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Qua kiểm toán nhằm đưa ra các kết luận, đánh giá và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định; quản lý điều hành của địa phương, cũng như từng đơn vị, tổ chức; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành giao thông công cộng, đồng thời đánh giá tính hợp lý, đúng đắn của các báo cáo quyết toán, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán giao thông công cộng - kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam và Trung Quốc