Cách mạng công nghệ 4.0: Nhiều thách thức với ngành kế toán, kiểm toán

(BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 sẽ mang lại nhiều thuận lợi, song cũng đặt ra đối với ngành kế toán, kiểm toán không ít thách thức về lao động, tiềm lực tài chính, khả năng kiểm soát các dữ liệu.



Áp lực cạnh tranh và thách thức về bảo mật

Theo Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Phạm Sỹ Danh, CMCN 4.0 sẽ là cơ hội để các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cuộc cách mạng này còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán và kế toán theo nhu cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành kế toán, kiểm toán cũng gặp không ít thách thức. Công nghệ mới khiến nhiều kỹ thuật, phương pháp truyền thống mà các kiểm toán viên, kế toán viên, chuyên viên tài chính đã sử dụng có nguy cơ bị lạc hậu hoặc biến mất trong tương lai không xa. Mặt khác, CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức cho các công ty kiểm toán trong việc đầu tư tài chính và nhân lực lớn vào hạ tầng kỹ thuật tin học để có thể tổng hợp phân tích dữ liệu với quy mô lớn. Đồng thời, CMCN 4.0 cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các công ty kế toán, kiểm toán, nhất là các DN kiểm toán (DNKiT) nhỏ và vừa. Các kiểm toán viên, DNKiT này sẽ bị các kiểm toán viên, DNKiT có nguồn lực về công nghệ hay những DN cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia thâu tóm khách hàng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh nhận định, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh CMCN 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức mới về bảo mật, trước hết là bảo mật trong thông tin kế toán, quản trị, nghiệp vụ thanh toán, các hoạt động đầu tư. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế có thể tăng lên, kéo theo đó là những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về các rủi ro trong nghiệp vụ thanh toán và hoạt động đầu tư. Vì vậy, an ninh mạng đã trở nên vô cùng quan trọng, vấn đề đặt ra cần có các giải pháp để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tạo lập lòng tin, sự yên tâm và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tài chính, kế toán.

Cần tăng cường đào tạo nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin

Để tranh thủ tối đa các lợi thế cũng như hạn chế tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, ngành kế toán, kiểm toán cần tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin (CNTT); chú trọng tăng cường quản lý an ninh mạng, đặc biệt là cần xây dựng Trung tâm Dự phòng dữ liệu; nâng cao hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về tài chính, kế toán của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh khởi phát của cuộc CMCN 4.0; nhận dạng và đánh giá đầy đủ các rủi ro thông tin, dữ liệu kế toán khi kết nối internet.

Khảo sát mới đây của VACPA cho thấy, các kế toán viên và DNKiT mong muốn có mức độ thay đổi cụ thể với chuyên ngành kế toán, kiểm toán trong các trường đại học. Theo đó, liên quan đến đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán theo hướng có các ứng dụng CNTT, 52% ý kiến cho rằng nhà trường cần có sự thay đổi lớn và 19% ý kiến yêu cầu cần có sự thay đổi toàn diện chương trình đào tạo. Khảo sát vấn đề đào tạo chuyên sâu về CNTT, có 42% ý kiến cho rằng cần đào tạo một phần khối kiến thức này, 41% ý kiến tin rằng cần có sự đào tạo rộng khối kiến thức này, đặc biệt có đến 13% ý kiến cho rằng cần đào tạo bài bản và sâu khối kiến thức này cho sinh viên để sau khi ra trường họ có thể làm việc và thích nghi trong môi trường CMCN 4.0. Từ đây, ông Phạm Sỹ Danh kiến nghị, các trường đại học đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán cần xây dựng chương trình theo hướng có các ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về CNTT.

Với kinh nghiệm 20 năm công tác trong ngành kế toán, tài chính, bà Nguyễn Thị Thủy - Kế toán trưởng của IBM Việt Nam - cho rằng, những người đang làm trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cũng như các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào nghề này cần phải nắm được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ được các yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp ở Việt Nam; có kỹ năng phối hợp với người khác - làm việc nhóm. “Đặc biệt, để đáp ứng kịp với cuộc CMCN 4.0, các bạn trẻ nên trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị con người và trí tuệ cảm xúc. Bởi vì, máy móc không thể làm thay con người được, máy móc đều do con người thiết kế và chỉ đạo nó” - bà Thủy nhấn mạnh.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao chất lượng đào tạo: Giải pháp sống còn của trường nghề
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nêu bật những kết quả đạt được của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, song lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng thừa nhận kết quả này là chưa bền vững, đào tạo nghề vẫn còn nhiều thách thức.
  • Hành động để giảm gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 17/7, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm muối ăn. Việc triển khai Dự án này hướng đến hiện thực hoá những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về giảm gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm.
  • Nguồn lực đầu tư cho y học cổ truyền chưa tương xứng
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là đánh giá của Bộ Y tế tại Hội nghị 10 năm tổng kết Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội đông y Việt Nam trong tình hình mới” (Chỉ thị 24) diễn ra sáng 17/7 tại Hà Nội.
  • Gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về cải tạo, xây dựng lại các chung cư bị hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Câu chuyện cải tạo chung cư cũ đến nay vẫn là một bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý.
  • Doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì lỗ hổng pháp lý
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tiếp cận đất đai là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến quyền kinh doanh và hiệu quả hoạt động của DN, song đây hiện là lĩnh vực phát sinh nhiều vướng mắc do những lỗ hổng pháp lý gây ra.
Cách mạng công nghệ 4.0: Nhiều thách thức với ngành kế toán, kiểm toán