Trường nghề trăn trở trước mùa tuyển sinh
Sau Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPT), hàng trăm trường cao đẳng, trung cấp nghề (gọi chung là trường nghề) lại bước vào cuộc đua tuyển sinh dựa vào kết quả thi hoặc học bạ. Đây cũng là năm thứ hai các trường nghề tuyển sinh theo quy chế của Luật Giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Dù chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm 2017 đạt hơn 100% so với kế hoạch nhưng đây chưa thể coi là tín hiệu lạc quan của các trường nghề. Bởi, khi bước vào mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường vẫn gặp khó khăn và xác định thách thức tuyển sinh có thể sẽ lớn hơn năm trước. Thực tế là nhiều trường, nhiều ngành nghề phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa vì không tuyển sinh được. Tình trạng này đang gây lãng phí, tốn kém cho các trường và NSNN.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo giám sát thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã nêu bật những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề thời gian gần đây. Điển hình như việc năm 2017, lần đầu tiên kết quả tuyển sinh học nghề đã đạt trên 100% (2 triệu người học), tăng cao so với nhiều năm trước đó chỉ đạt 40 - 60% kế hoạch đề ra; việc xác định mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của các bậc học từng bước phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam... Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận, sự chuyển biến vừa qua là chưa đồng đều, tính dự báo thị trường lao động của trường nghề chưa cao; DN chưa có thói quen sử dụng lao động thông qua đào tạo mà chủ yếu vẫn tuyển lao động phổ thông; các trường nghề vẫn gặp khó khăn trong liên kết với DN...
Đáng chú ý, chính sách tuyển sinh rộng mở của các trường đại học, cao đẳng cũng khiến cho các trường nghề càng khó tuyển sinh. Cụ thể, năm nay, trong tổng số thí sinh dự thi THPT là 879.705, số thí sinh tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 688.466 (khoảng 60%) và 237.326 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (chiếm tỷ lệ khoảng 28%). Trong số này, chỉ có một bộ phận thí sinh sẽ đăng ký vào trường nghề. Đây thực sự là những thách thức của trường nghề trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang ngày càng hội nhập với quốc tế, cơ hội học tập được mở rộng và sự tham gia của các loại hình đào tạo, các tổ chức đào tạo đang ngày càng đa dạng hơn, thu hút người học hơn.
Tháo gỡ khó khăn cho trường nghề
Theo TS. Phạm Quang Ngọc - chuyên gia kinh tế và thị trường lao động - một trong những nguyên nhân khiến các trường nghề vẫn khó tuyển sinh là do các chương trình giảng dạy còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn đào tạo nghề với thực tế. Những hạn chế, bất cập này cũng từng được KTNN chỉ rõ trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2013 cũng như nhiều chương trình, dự án có liên quan khác của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, đến nay, các vấn đề nêu trên vẫn lặp lại và không có giải pháp khắc phục triệt để.
Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để thu hút người học vào trường nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng, điều quan trọng nhất đối với mỗi người học nghề là đầu ra. Do đó, bên cạnh việc áp dụng cơ chế, chính sách thu hút người học, mỗi trường cần tự khẳng định năng lực của mình thông qua việc giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. “Trong quá trình đào tạo, Trường đã liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đưa sinh viên đến thực tập, làm quen với môi trường và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường” - ông Ngọc chia sẻ.
Trong nỗ lực giúp các trường tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ với DN, mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã ký kết hợp tác với một số tổ chức có liên quan như: Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Đây được coi là tiền đề cho cầu nối giữa các chủ sử dụng lao động và các trường trong việc đào tạo nguồn lao động.
Bên cạnh những giải pháp tạm thời, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề, các cơ quan chức năng cần tập trung vào một số vấn đề cốt lõi như quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, trong đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yêu cầu tiên quyết. Song hành với đó, Bộ LĐ-TB&XH cần kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; có chủ trương chính sách khuyến khích DN đầu tư phát triển dạy nghề; nâng cao công tác dự báo thị trường lao động...
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, việc làm như hiện nay, sự thay đổi mang tính đột phá của hệ thống trường nghề lúc này là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ làm tăng sức cạnh tranh của lao động trong nước, giúp các trường nghề tồn tại, phát triển mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động hiện nay.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018