Cải cách mạnh mẽ hơn chính sách thuế, hải quan

(BKTO) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính vừa tổ chức, những nỗ lực của ngành Thuế, Hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách chính sách, pháp luật đã được các nhà quản lý cũng như cộng đồng DN ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật, chính sách thuế, hải quan vẫn bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng hết kỳ vọng của DN.



Cải cách nhiều nhưng chưa được như kỳ vọng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2017, Bộ đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính thuế; 99,6% DN đã thực hiện khai thuế điện tử; việc thí điểm hoàn thiện thuế điện tử cho người nộp thuế cũng đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố... Cùng với đó, ngành Hải quan cũng đã tiếp tục triển khai thủ tục hải quan điện tử tại tất cả đơn vị trực thuộc, thực hiện bãi bỏ 2 khoản phí, giảm mức thu từ 5 - 57% đối với 23 dòng phí liên quan đến chi phí của DN…

Những cải cách này đã góp phần giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Theo Báo cáo “Môi trường kinh doanh” năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố vừa qua, Việt Nam xếp vị trí 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng thêm 14 bậc so với năm ngoái; trong đó, chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc.

Kết quả khảo sát trên 22.000 DN của VCCI trong năm 2017 cũng chỉ rõ, chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI - một số quy định trong chính sách thuế thay đổi liên tục, nhanh chóng khiến DN không kịp nắm bắt. Đáng lưu ý, các quy định liên quan đến thay đổi thủ tục về nợ thuế, phạt chậm nộp thuế còn rườm rà, phức tạp; mức phạt chậm nộp thuế quá cao khiến DN thêm khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, khâu thanh tra, kiểm tra chưa nhanh chóng, gọn nhẹ, gây phiền hà cho DN.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan Thuế còn một số bất cập. Cụ thể, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế được nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn chưa có đầy đủ biểu mẫu phù hợp cho phần kê khai và mới chỉ cho phép nộp tờ khai qua mạng, chưa hỗ trợ nộp các văn bản khác. Hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan Thuế và DN không đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng DN gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan Thuế không nhận được, hệ thống cho phép phê duyệt chứng từ online nhưng vẫn yêu cầu in ra và ký trên giấy. Do đó, DN không tận dụng được tối ưu những lợi ích của công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, công văn trả lời của ngành Hải quan về các vướng mắc của DN chủ yếu trích dẫn các thông tư, nghị định, không giải thích rõ ràng và hướng dẫn cụ thể. Chính sách hải quan có nhiều thay đổi nhưng chưa phổ biến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của ngành.

Đáng lưu ý, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi bị kéo dài. DN vẫn chi trả phí ngoài quy định quá lớn do còn nhiều khâu phải trực tiếp làm việc với phía hải quan.

Tiếp tục giảm thời gianthông quan, triển khaihóa đơn điện tử…

Từ những bất cập trên, cộng đồng DN kiến nghị cơ quan Thuế nên xem xét, đánh giá và căn cứ vào tình hình, mức độ khó khăn của DN để giảm 20%, 30% hay 50% mức phạt tiền chậm nộp thuế hoặc miễn cho DN. Bên cạnh đó, DN còn đề nghị giới hạn thời gian tính nộp chậm cho các khoản tiền thuế còn thiếu do sai sót không cố ý; các chứng từ đã được phê duyệt online theo quy trình của DN nên được xem là chứng từ hợp pháp về thuế. Đối với lĩnh vực hải quan, DN kỳ vọng vào việc áp dụng cơ chế một cửa và đẩy mạnh khai báo hải quan online, giảm khâu làm trực tiếp để hạn chế tình trạng cán bộ hải quan nhũng nhiễu, đòi chi phí ngoài quy định…

Không chỉ truyền đạt những ý kiến từ cộng đồng DN, VCCI còn kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN. Theo đó, cơ quan quản lý cần giải thích, hướng dẫn rõ ràng để DN dễ thực hiện các quy trình, thủ tục. Các biểu mẫu không nên thay đổi quá nhiều mà nên giữ ổn định trong thời gian nhất định.

Đặc biệt, cần tạo cơ chế thuận lợi nhằm giúp DN trong nước tiếp cận một số thông tin về giá trị hàng hóa, nhất là những nội dung liên quan đến quá trình chuyển giá, để tránh bị thiệt thòi khi bắt tay với đối tác nước ngoài. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng nghệ thông tin trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát, tiếp cận các phản hồi của DN và người dân về những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với DN.

Ghi nhận ý kiến của DN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cam kết, Bộ Tài chính sẽ xem xét, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ sửa đổi các vấn đề còn bất cập để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN. Mục tiêu trước mắt là rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn Thuế Giá trị gia tăng điện tử.

LƯU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục tháo gỡ khó khăn,  vướng mắc để xử lý triệt để nợ xấu
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Sau 3 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã đạt được những kết quả bước đầu. Đây chính là tiền đề, tạo động lực cho các cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
  • Cần tháo gỡ khó khăn trong  công tác kiểm tra, đối chiếu thuế
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hoạt động kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế tại cơ quan thu không chỉ góp phần đảm bảo tính tuân thủ đối với các quy định về thu ngân sách mà còn bổ trợ cho việc đánh giá, xác nhận tính đúng đắn của báo cáo quyết toán cũng như kiến nghị về công tác tổ chức thực hiện thu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các Đoàn kiểm toán còn gặp một số khó khăn, đòi hỏi KTNN phải có các giải pháp khắc phục kịp thời.
  • Cơ chế đặc thù cho TP. HCM:  Tạo động lực cho đầu tàu  kinh tế phát triển
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 20/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc thông qua Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp; đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
  • Hóa đơn điện tử: Lợi… nhưng vẫn lo
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý còn rời rạc, chi phí cao cho các tổ chức trung gian… được đánh giá là những trở ngại chính khiến nhiều DN chưa mặn mà với việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT)
  • Cần xác định lại đầu mối quản lý  và phạm vi nợ công
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo lịch trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua vào ngày 23/11 tới đây. Để hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể dựa trên thực trạng nợ công của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xác định phạm vi nợ và đầu mối quản lý.
Cải cách mạnh mẽ hơn chính sách thuế, hải quan