Cơ chế đặc thù cho TP. HCM: Tạo động lực cho đầu tàu kinh tế phát triển

(BKTO) - Ngày 20/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc thông qua Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp; đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.



Cơ chế mới giúp TP.HCMphát huy tiềm năng, lợi thế

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM. TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của đất nước; có quy mô, mật độ dân số, thu nhập đầu người và đóng góp ngân sách luôn dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM đã không còn phù hợp mà bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế. Do đó, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan. “Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để TP. HCM phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, sự năng động, chủ động, sáng tạo để tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước”- đại biểu Học nhấn mạnh.

Đây cũng là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. Đại biểu Phan Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: “Việc tạo cơ chế riêng cho thành phố không phải là ưu đãi thêm cho địa phương một phần tư chiếc bánh ngân sách mà chỉ như một liều thuốc khỏe cần thiết giúp cho thành phố có đủ sức gồng gánh và neo kéo những toa tàu để tiếp tục cuộc hành trình”.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng: Qua tìm hiểu 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020, các chỉ tiêu, số liệu về GDP, thu nhập, mức độ đóng góp thu ngân sách và nhiều chỉ tiêu khác cho thấy, TP. HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn nổi trội về mọi mặt, tăng trưởng vượt bậc, có sức thu hút và lan tỏa lớn đến các nơi khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây có thể thấy, sự vượt trội của TP. HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí có xu hướng tụt hậu. Những khó khăn này dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng của thành phố, trở thành thách thức lớn cho tăng trưởng cả nước. Bởi vậy, “Nghị quyết sẽ là động lực, tạo thuận lợi hết sức to lớn và là công cụ đủ mạnh giúp TP. HCM phát triển nhanh hơn trong thời gian tới với tinh thần Nghị quyết không chỉ dành cho thành phố mà còn vì sự phát triển chung của cả nước” - đại biểu Tuấn bày tỏ.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, Nghị quyết này không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về vật chất mà điều quan trọng hơn chính là việc thiết lập một cơ chế tiêu biểu. Nếu làm tốt, cơ chế cho thành phố sẽ được ứng dụng ở những nơi khác. "Tôi tin rằng thành công của TP. HCM sẽ mang lại sự giải thoát, sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước" - đại biểu Quốc nói.
Cần đánh giá kỹ tác động của các chính sách

Nhấn mạnh sự cần thiết và cấp bách của việc ban hành cơ chế đặc thù cho TP. HCM, nhiều nội dung cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Liên quan đến việc thí điểm tăng mức thuế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đồng tình với việc tăng một số chính sách thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định, cần cân nhắc đánh giá tác động khi tăng thuế. Bởi, nếu tăng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư vào TP. HCM.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, cần đánh giá tổng thể hơn khi ban hành Nghị quyết, nhất là tác động đến kế hoạch trung hạn của cả nước và mức dư nợ vay cũng như các địa phương lân cận. Đặc biệt khi triển khai Nghị quyết này, TP. HCM cần có nghiên cứu đánh giá tác động cụ thể, rõ hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến thuế, lệ phí tác động đến người dân và DN.

Về quy định giao cho HĐND TP. HCM quyết định các chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và tăng mức trái phiếu đối với chính quyền địa phương và trần vay nợ, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) lưu ý không nên lạm dụng chính sách này mà chỉ sử dụng trong từng thời điểm và cho từng dự án được cấp có thẩm quyền ký, chịu trách nhiệm cá nhân cao để không tạo nguy cơ đổ vỡ trần nợ công cho cả nước.

Tán thành quy định cho phép TP. HCM được vay với mức vay tăng lên bằng 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, song đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị, Nghị quyết cần bổ sung quy định, trong tổ chức thực hiện, thành phố phải làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra, chống nợ đọng thuế, chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận gửi giá, buôn lậu, gian lận thương mại để tăng nguồn lực cho ngân sách thành phố…
         
Theo tờ trình của Chính phủ, về quản lý tài chính - ngân sách, Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP. HCM được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100%. Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước; hưởng số thu từ cổ phần hóa của các DNNN do UBND TP. HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu…
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 47 ra ngày 23-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Hóa đơn điện tử: Lợi… nhưng vẫn lo
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý còn rời rạc, chi phí cao cho các tổ chức trung gian… được đánh giá là những trở ngại chính khiến nhiều DN chưa mặn mà với việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT)
  • Cần xác định lại đầu mối quản lý  và phạm vi nợ công
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo lịch trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua vào ngày 23/11 tới đây. Để hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể dựa trên thực trạng nợ công của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xác định phạm vi nợ và đầu mối quản lý.
  • Nộp thuế điện tử 24/7:  Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Quy trình “nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7” đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng DN. Tuy nhiên, để hình thức thanh toán này thực sự thuận tiện, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa cho cả phía cơ quan thu cũng như bên nộp thuế.
  • Xử lý những ngân hàng yếu kém:  Phá sản là lựa chọn cuối cùng
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Giai đoạn 2011-2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, song không ít ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Nhằm khắc phục thực trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra 5 biện pháp tái cơ cấu, trong đó có các quy định về phá sản ngân hàng yếu kém.
  • Dự toán ngân sách năm 2018:  Những băn khoăn từ giới chuyên gia
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 26/10/2017, Dự thảo Dự toán ngân sách năm 2018 đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Khác với mọi năm, Dự thảo năm nay được công bố sớm, trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua. Đây được xem là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết tăng cường minh bạch ngân sách.
Cơ chế đặc thù cho TP. HCM: Tạo động lực cho đầu tàu kinh tế phát triển