Tại buổi Đối thoại, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết: “Sau 6 lần tổ chức đối thoại ở cấp quốc gia, nhiều nội dung, chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ở cấp tỉnh, đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.”
Báo cáo của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ cho biết thêm, sau Phiên đối thoại năm 2022, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể như: Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2023/NĐ-CP nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm định; đã ban hành 3 Thông tư theo thẩm quyền nhằm giải quyết đối với đề xuất tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, đổi mới chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành 1 Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp. Bộ Công Thương hiện nay đang xây dựng 11 Quy chuẩn kỹ thuật an toàn. Các bộ, ngành khác đều đồng loạt triển khai các nội dung nhằm thúc đẩy công tác ATVSLĐ.
Đặc biệt, sau Phiên đối thoại năm 2022, khu vực không có quan hệ lao động cũng dần được chú trọng triển khai. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang xây dựng 1 Nghị định về chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong ngành nông nghiệp. Hội Nông dân Việt Nam ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức tập huấn về cải thiện điều kiện lao động cho nông dân…
Về các nội dung gửi đến Hội đồng tại Đối thoại năm 2023, Ban Thư ký Hội đồng đã tổng hợp các nội dung vướng mắc tập trung vào các nhóm vấn đề: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lĩnh vực khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; lĩnh vực quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động.
Tại buổi Đối thoại, đại diện các Sở LĐTBXH, các Bộ đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương, qua đó tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ tổ chức đối thoại ở địa phương để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.
Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ tại phiên họp thường kỳ sắp tới./.