Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 05/4, cùng với thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân, của đại biểu Quốc hội bổ sung quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức, chứ không chỉ là cá nhân.
Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, bổ sung nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu Thanh cho rằng, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng từ sớm, cần bổ sung thêm các quy định cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng, nhất là đối với sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm.
Ví dụ như, hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn; tình trạng "rau 2 luống, lợn 2 chuồng"; bơm nước, tạp chất vào thịt, cá, tôm để đưa đi tiêu thụ đã xuất hiện rất nhiều trong thời gian qua.
Theo đại biểu, trong thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc người tiêu dùng, nhất là công nhân, học sinh tại các khu công nghiệp, trường học là nạn nhân của các hành vi này. Có rất nhiều trường hợp đã bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thức ăn và đã có những trường hợp đã thiệt mạng.
“Những hành vi này nếu được phát hiện, ngăn chặn từ sớm trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển thì những sản phẩm, hàng hóa này sẽ không đến tay người tiêu dùng, không gây thiệt hại đối với người tiêu dùng như đã xảy ra thời gian vừa qua” - đại biểu Thanh nói.
Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đề nghị xem xét quy định người tiêu dùng được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa không chỉ đối với hàng hóa có khuyết tật mà phải áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa không đúng như quảng cáo cũng như giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép người tiêu dùng được phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, để phù hợp hơn với thực tiễn và tăng tính khả thi cũng như hiệu lực hiệu quả.
Nêu thực tế hiện nay hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng vẫn còn phổ biến trên không gian mạng, đại biểu Sang đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều 39 Dự thảo Luật quy định nền tảng số phải thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng có dấu hiệu nghi ngờ là bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; đồng thời quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nhấn mạnh Dự thảo Luật cần xác định những cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng thực sự khả thi và phù hợp, đi vào thực tiễn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, liên quan đến vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị xã hội, nếu chúng ta làm tốt thì đây là một “cuộc cách mạng” trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định này trong Dự thảo Luật chưa đủ mạnh và chưa tạo được động lực, cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các hội tham gia việc khởi kiện, chủ động khởi kiện hoặc đại diện cho người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị cần có thêm quy định về hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức này để họ có đủ nguồn lực, đủ cơ sở tham gia việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được hoàn chỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5.