Còn nhiều khó khăn…
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN khôi phục hoạt động trong bối cảnh khó khăn chồng chất như: Hạ tầng xuống cấp, thiếu vốn để tái đầu tư, đổi mới điểm đến… Trong khi đó, sức tiêu dùng của du khách sau đại dịch còn thấp, yêu cầu, đòi hỏi với điểm đến, dịch vụ ngày càng khắt khe hơn.
Khó khăn này đã được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) ghi nhận, chỉ ra qua những con số thống kê. Đơn cử, ngay trong mùa cao điểm của du lịch Việt, nhu cầu thuê phòng tại các khách sạn tầm trung giảm mạnh (trong khi dịch vụ lưu trú là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn chi của du khách), song vẫn thưa vắng du khách như tại Đà Nẵng, Quảng Nam với công suất sử dụng buồng phòng lưu trú lúc cao nhất cũng chỉ đạt 50%.
Do đó, các ý kiến cho rằng, để bắt nhịp với xu thế phục hồi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, các DN phải cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn. Tuy nhiên, hiện nay mức lãi suất vay ngân hàng còn cao, nhất là với các khoản vay dài hạn. Mặt khác, hồ sơ vay vốn của DN phần lớn không đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng do phải chứng minh tài sản đảm bảo, hoặc hứa hẹn tiềm năng phát triển thông qua doanh thu…
Cùng với đó, một vấn đề nan giải khác là ngành du lịch thiếu hụt nhân sự có chất lượng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để đưa lượng lao động có kinh nghiệm trở lại ngành, DN phải có chế độ đãi ngộ phù hợp; thậm chí ngay cả việc đào tạo cho đội ngũ lao động mới cũng cần có kinh phí, song “với nguồn lực tài chính eo hẹp khiến nhiều DN gặp khó trong vấn đề này” - ông Tuấn thông tin.
Bên cạnh những khó khăn về tài chính, nhiều DN du lịch cũng cho rằng, DN cần được hỗ trợ thông qua những chính sách ưu đãi để thúc đẩy phục hồi, cũng như ứng phó với những rủi ro ngày càng lớn. Điều này xuất phát từ thực trạng vừa qua, nhiều DN phản ánh tại một số địa phương đã tăng đơn giá thuê đất, khiến DN khó chồng khó. Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, DN phản ánh tiền thuê đất thương mại dịch vụ ven biển tăng và hiện duy trì ở mức cao. Sau đại dịch, nhiều DN đang cố xoay xở nguồn tài chính để trả tiền thuê đất, duy trì kinh doanh với áp lực phải đi vay và trả lãi ngân hàng lớn; trong khi nhiều DN cũng cho biết khó tiếp cận được nguồn đất thương mại với giá ưu đãi để mở rộng hoạt động kinh doanh…
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng và chính sách ưu đãi
Để có thể khôi phục hoạt động vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều DN cần được tiếp sức, đặc biệt, đây còn là thời điểm quan trọng để nắm bắt cơ hội bứt phá trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Trong đó, hai vấn đề cần nhất hiện nay với DN, đó là: Nguồn vốn và chính sách ưu đãi.
Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ DN, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Điều đáng mừng, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ DN du lịch được tiếp cận; các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất. Theo ông Thủy, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ DN, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới.
Đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đối với DN, song nhiều hiệp hội, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng lưu ý, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể, cũng như phối hợp trong triển khai, đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chính sách bị “treo” trên giấy.
Dẫn ví dụ về việc chủ trương hỗ trợ DN rất tốt, nhưng khó thực hiện, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết, đơn cử để được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi (2% lãi suất) theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, DN phải chứng minh có lãi, trong khi thời điểm năm 2022, du lịch Việt Nam vừa mở cửa, vừa thận trọng chống dịch thì DN không thể đáp ứng điều kiện này. “Chính sách rất tốt nhưng khi triển khai thì thủ tục còn rườm rà, điều kiện không hợp lý nên thực tế DN rất ít tiếp cận” - ông Thanh cho biết, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ DN vay vốn với thời hạn dài hơn để có điều kiện mở rộng hoạt động, tăng cường quảng bá, thu hút du khách.
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, Sở thường xuyên rà soát, nắm bắt khó khăn của DN để tổng hợp báo cáo, đề xuất lãnh đạo tỉnh có hướng giải quyết phù hợp theo quy định. “DN kiến nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương đến thị trường quốc tế; sớm đưa chính sách, cơ chế ưu đãi để phát triển du lịch vào áp dụng” - ông Hòa cho biết thêm./.