Kinh tế Việt Nam “vượt gió ngược” để “cất cánh”!

(BKTO) - Trước bối cảnh kinh tế thế giới nhiều thách thức, song tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam vẫn đạt 4,24% cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) để vượt qua những “cơn gió ngược”. Thậm chí, Việt Nam được đánh giá đang đứng ở ngưỡng cửa của kỷ nguyên có thể “cất cánh” để trở thành một quốc gia phát triển trong tương lai.

10-.jpg
Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới. Ảnh: ST

Ứng phó thành công trước những “cơn gió ngược”

Không phải ngẫu nhiên, nhiều tổ chức quốc tế uy tín nhận định: “Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới”. Thời gian qua, điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt… đang tạo ra những “cơn gió ngược”, là nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam vẫn đạt 4,24%, trong đó quý III/2023 đạt 5,33%. Để có sự phục hồi như vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. “Chúng ta đã ứng phó thành công với những “cơn gió ngược” của năm nay nhờ cách chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta” - ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Phương, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, chúng ta cũng vượt qua “cơn gió ngược” về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước và thấp so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Chưa kể, mặc dù năm nay lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng, kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm. Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay, khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ Việt Nam, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời. Theo Giám đốc ADB, đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, NHNN thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Chúng ta hãy chú ý đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả. Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra 6% là hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc ADB tại Việt Nam

Đặc biệt, dự báo của ADB công bố hồi tháng 9/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. “Chúng ta hãy chú ý đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả. Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra 6% là hoàn toàn có thể đạt được” - ông Shantanu Chakraborty tin tưởng.

Sẵn sàng tâm thế để “cất cánh”

Đánh giá kết quả tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tương quan với các nước khu vực và trên thế giới, PGS,TS. Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) - chia sẻ, chúng ta đều phấn khởi về những đánh giá khá lạc quan của ADB về Việt Nam trong bối cảnh chung. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là có khả năng kết quả thực tế ở “cận dưới”. Tình hình năm nay khó khăn, đặc biệt với các nước xuất khẩu nhiều và xuất khẩu nhóm hàng công nghệ, điện tử. Việt Nam lại chính là mảng này.

Năm nay là năm rất tốt để DN cảm nhận được sự sống còn. “Tôi thấy hơi thở của DN bây giờ sâu sắc hơn rất nhiều, không có “đánh giậm” mở rộng cơ hội nữa mà phải làm thế nào để “cất cánh”. Rõ ràng, đây là lần đầu tiên họ có suy nghĩ sâu sắc về chiến lược phát triển lâu dài. Đây là điều mừng cho các địa phương và các DN”. Theo ông Khương, Việt Nam mạnh lên sau đại dịch. 2 năm vừa rồi, niềm tin tăng lên rất mạnh mẽ cả bên ngoài và trong nội bộ. “Các địa phương cũng như DN lớn mà tôi làm việc đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai. Đơn cử xuất khẩu gạo, phải nói Việt Nam rất bản lĩnh mà thế giới khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới. Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm. Đây là bản lĩnh của Chính phủ trong thời gian vừa rồi” - ông Khương dẫn chứng.

Hiện giờ, cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Không phải chỉ là vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm, rõ ràng mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) đã hết, bây giờ phải làm sao nâng cấp, “cất cánh”, nhưng không thể ngày một ngày hai. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian tới. Theo ông Khương, chúng ta đã sống qua Đổi mới lần thứ nhất những năm 1980 thì thấy Đổi mới lần thứ hai cảm giác cũng y như thế, khó khăn vô cùng, không biết ngày mai sẽ như thế nào nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra. “Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Giám đốc ADB khuyến nghị, Việt Nam có thể cải thiện nhiều điểm hơn nữa. Đơn cử, đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân - khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những lỗ hổng, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Do vậy, Việt Nam cần cải tổ về chính sách để khuyến khích hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân phát triển./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam “vượt gió ngược” để “cất cánh”!