Nên có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí - truyền thông
Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế, đặc biệt là chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan điểm cần quan tâm có thêm những chính sách ưu đãi về thuế, nhất là đối với những ngành mới, ngành mang tính chất động lực tăng trưởng, như lĩnh vực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Đặc biệt, đại biểu đề nghị, cần có thêm những chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí, bởi đây là những lĩnh vực rất quan trọng.
Theo đại biểu, tại Điều 13 Dự thảo Luật quy định thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in thuộc ngành nghề quy định được đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10%, nhưng thu nhập của cơ quan báo chí không từ hoạt động báo in thì lại đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế TNDN 15%.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, đối với lĩnh vực báo chí thuộc hai lĩnh vực hoạt động báo in và không hoạt động báo in nên áp dụng một mức chung là mức thuế 10% và kiến nghị cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn.
Theo đại biểu, nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí - truyền thông trong giai đoạn hiện nay để các cơ quan báo chí có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn. Hơn nữa, thực tế cho thấy, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm rất sâu trong những năm vừa qua do sự phát triển của công nghệ số.
Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, trong giai đoạn đầu, có thể là 5 năm, nên đưa văn hóa, báo chí và những lĩnh vực cần được ưu tiên ưu đãi vào nhóm đối tượng không chịu thuế TNDN hoặc nhóm đối tượng chịu mức thuế thấp nhất để khuyến khích.
Tán thành quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị nên giảm thuế xuống còn khoảng 5 - 0% đối với các cơ quan báo chí.
Ưu đãi cho báo chí bằng các sắc thuế là rất hợp lý
Nhấn mạnh quan điểm cần áp dụng mức thuế TNDN 10% với tất cả các loại hình báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) phân tích, báo chí không phải là đơn vị hoạt động kinh doanh thuần túy mà nhiệm vụ cao nhất là hoạt động chính trị, phục vụ chính trị, phục vụ truyền thông, vì vậy cần một sự hỗ trợ phù hợp.
Theo đại biểu, các cơ quan báo chí hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn thu đang chảy sang các mạng xã hội, các nền tảng khác, nguồn thu giảm, đời sống phóng viên vất vả. Chính vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ phù hợp thì báo chí sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, khó phát triển được.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, nếu bóc tách ra báo in là 10%, các loại hình báo chí khác vẫn giữ 15% là rất bất hợp lý. Bởi lẽ, thu từ báo in hiện nay rất thấp, tất cả đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội, việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí là đang diễn ra rất quyết liệt, rất nỗ lực và muốn chuyển đổi số thì phải có đầu tư nguồn lực rất lớn.
“Nếu ưu đãi thuế báo in 10% thì không có nhiều ý nghĩa với báo chí mà phải ưu đãi cho những ngành báo chí khác đang thu hút nhiều công chúng thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ chính trị, nhất là khi chủ trương chung của chúng ta là chuyển đổi số, là trí tuệ nhân tạo, đấy là quan điểm chung của Đảng ta thì báo chí cần phải tiên phong” - đại biểu Nghĩa nhấn mạnh
Mặt khác, theo đại biểu, việc tách báo in ra cũng rất khó, vì cơ bản các cơ quan báo chí hiện nay đang thực hiện báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện. “Nếu bóc tách ra báo in là 10%, các nền tảng khác 15% là điều rất không hợp lý trong lúc này. Đã ưu đãi thì chúng ta nên ưu đãi cho xứng tầm để thể hiện rõ chính sách quan tâm đến báo chí” - đại biểu nói.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, có nhiều cách ưu đãi báo chí nhưng ưu đãi bằng các sắc thuế là rất hợp lý. Bởi như thế sẽ phát huy được nội lực của các cơ quan báo chí, tức là ưu đãi trên chính nguồn của cơ quan báo chí. Khi cơ báo chí có bạn đọc, có công chúng thì mới có nguồn thu và ưu đãi trên nguồn thu này bằng cách giảm thuế chính là khuyến khích các cơ báo chí này tiếp tục có nhiều công chúng hơn nữa và có nhiều công chúng hơn nữa thì mới làm tốt được nhiệm vụ chính trị.
Việc hỗ trợ trực tiếp bằng thuế TNDN này là một phương thức mà giới báo chí cũng đang rất là mong đợi và hỗ trợ báo chí thì cả xã hội được hưởng lợi chứ không phải chỉ là người làm báo.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa
Nhắc lại vừa qua trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị với Quốc hội là giảm thuế cho các loại báo chí không chỉ báo in mà cả báo điện tử từ 15% xuống 10%, đại biểu Nghĩa cho rằng, đó là quan điểm rất đúng đắn của Chính phủ và mong muốn Dự thảo Luật sẽ sửa đổi theo hướng đó.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, để hỗ trợ báo chí thì không chỉ hỗ trợ chính sách thuế mà còn nhiều cách thức khác. Do đó, cần có những tính toán để có sự đồng bộ hơn nữa trong việc khuyến khích các cơ báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời phát huy được kinh tế tế báo chí để thúc đẩy báo chí phát triển lâu dài, ổn định, giữ vững giá trị báo chí cách mạng.