Cần có quy định bảo vệ quyền lợi của bên mua khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (gọi tắt là Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

cph.jpg
VCCI đề xuất cần có quy định bảo vệ quyền lợi của bên mua khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa: S.T

VCCI cho biết, nhiều nhà đầu tư phản ánh, hiện nay, họ rất ngần ngại khi mua phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá do rủi ro pháp lý quá lớn. Nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân đã bỏ tiền mua lại phần vốn qua đấu giá công khai, nhưng khi phát hiện những sai sót nội bộ từ phía bên bán thì có nhiều ý kiến đề nghị phải hủy giao dịch, trả lại tài sản. Từ những trường hợp như vậy khiến các nhà đầu tư không muốn tham gia, dù họ có khả năng quản trị doanh nghiệp được bán tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế.

Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp bên mua không biết những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua sẽ được pháp luật bảo vệ. Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh vấn đề trên, góp ý cho Dự thảo liên quan đến đối tượng áp dụng, VCCI cho biết, Dự thảo đề xuất bổ sung quy định mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm cả các doanh nghiệp có phần vốn đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Theo VCCI, việc mở rộng đối tượng áp dụng như trên có thể gây ra nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, hiện nay, hầu hết các tổ chức này, đặc biệt là nhóm các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đã tự chủ tài chính, không nhận hoặc nhận rất ít sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp do các tổ chức này góp vốn hiện được thành lập và hoạt động theo pháp luật chung về doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp này thường được thành lập và kinh doanh nhằm một số mục đích như: cung cấp dịch vụ cho hội viên; tạo nguồn thu bền vững cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tạo việc làm cho hội viên. Các doanh nghiệp này không nhận bất kỳ sự ưu đãi, ưu tiên nào từ phía Nhà nước và thường cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân khác kinh doanh trong cùng lĩnh vực.

Do đó, đối với những doanh nghiệp này, nếu phải áp dụng các quy định như trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đang đề cập như: hạn chế về lĩnh vực kinh doanh; điều kiện, thủ tục ra các quyết định tăng, giảm vốn góp; chế độ báo cáo; yêu cầu và thủ tục cơ cấu lại… sẽ hạn chế đáng kể hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà không mang lại tác động tích cực rõ ràng nào.

Với những phân tích trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn những doanh nghiệp có phần vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Luật này. Theo đó, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc phương án chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn góp của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hoặc căn cứ vào mức độ hỗ trợ, nhận kinh phí từ ngân sách của tổ chức đó để xác định đối tượng áp dụng cho phù hợp./.

Cùng chuyên mục
Cần có quy định bảo vệ quyền lợi của bên mua khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước