Cần động lực mới về tăng năng suất lao động

(BKTO) - Theo các chuyên gia, năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

sx-1694596842260277223565.jpg
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn so với khu vực và chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Năng suất lao động vẫn thấp so với khu vực

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế xác định, tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu NSLĐ tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, năm 2022 tốc độ tăng NSLĐ bình quân chỉ đạt 4,8%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc chỉ tiêu về tốc độ tăng NSLĐ không đạt phản ánh tốc độ tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế. Do đó, cần đánh giá rõ thực trạng, nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.

Đề cập đến vấn đề này tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, ông Felix Weidencaff - Chuyên gia việc làm (ILO khu vực châu Á Thái Bình Dương) cho biết, tại Việt Nam, xu hướng NSLĐ đã có sự cải thiện song vẫn thấp so với khu vực ASEAN, thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Do đó, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất.

Đại diện ILO cho rằng, vai trò của các thể chế và chính sách thị trường lao động rất quan trọng để giải quyết những thách thức kép trong việc duy trì tăng trưởng năng suất và bảo đảm tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều công ăn việc làm.

Lý giải nguyên nhân NSLĐ của Việt Nam thấp, bà Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam) cho rằng, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao NSLĐ trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao NSLĐ Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng NSLĐ; tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Nguồn nhân lực - động lực nội sinh cốt lõi

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn khẳng định, nâng cao năng suất lao động là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng quy mô của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình tái sản xuất mở rộng, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài; cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cũng như tạo việc làm, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

nhan-luc.jpg
Nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát huy năng lực nội sinh thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất, ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chỉ rõ, hai vấn đề trong đầu tư vào đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển thấp cùng với đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan, Bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt, nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ. Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật.

Dưới góc độ khác, chuyên gia ILO cho rằng, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức và công nghệ, công nghệ 4.0; tiếp cận các cơ hội việc làm năng suất cho tất cả mọi người; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới đối với tạo việc làm có năng suất hơn.

Song song với đó, Việt Nam cần có hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, lập kế hoạch việc làm tinh vi và nghiên cứu về tăng năng suất.

“Tạo việc làm năng suất và việc làm bền vững cần đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ; bởi lẽ lao động vừa là người chơi chính trong nền kinh tế song cũng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc và giảm thiểu chi phí phi chính thức” - đại diện UNDP nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị thêm việc cần có sự gắn kết chính sách và bảo đảm các nguồn kinh phí; tăng cường phối hợp chính sách ở các lĩnh vực khác với lĩnh vực lao động.

Nhấn mạnh nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện lực lượng lao động trẻ. Cần mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...), tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai...

Đặc biệt, việc ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là chính sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Cùng chuyên mục
Cần động lực mới về tăng năng suất lao động