Cần duy trì lạm phát thấp để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018

(BKTO) - Tỷ lệ lạm phát cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã phân tích mối quan hệ này, chỉ rõ nguyên nhân và gợi mở một số giải pháp để việc kiểm soát lạm phát đạt được mục tiêu 4% cho năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra.



Lạm phát thấp là điều kiện cần để tăng trưởng cao

Theo nghiên cứu của các tác giả Phạm Sỹ An, Phạm Thành Công và Nguyễn Võ Khánh Việt thuộc Viện Kinh tế Việt Nam (Nhóm tác giả), giai đoạn 2001-2017, hệ số tương quan giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế là -0,07 (âm). Hệ số này cho thấy, tỷ lệ lạm phát cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và ngược lại, tỷ lệ lạm phát thấp sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Trong cả giai đoạn trên, riêng giai đoạn 2001-2007, hệ số tương quan giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế là 0,86 - hệ số dương và ở mức tương đối cao. Điều này thể hiện rằng, khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường ở mức cao và ngược lại khi lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cũng ở mức thấp. Mô thức quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng của giai đoạn này cho thấy khi chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ tạo ra cả tăng trưởng và lạm phát.

Tuy nhiên, sang giai đoạn 2008-2017, mẫu thức của mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng đã thay đổi. Hệ số tương quan giữa hai biến kinh tế vĩ mô này là âm (-0,035), cho thấy tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhưng tăng trưởng kinh tế không còn ở mức cao như trong mô thức mối quan hệ ở giai đoạn trước đó.

Sự đánh đổi giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế cũng không còn nữa. Chính sách tiền tệ nới lỏng không còn đảm bảo tỷ lệ lạm phát cao hơn và đi kèm với đó là tăng trưởng kinh tế cao hơn. Thậm chí, mẫu thức trong mối quan hệ giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế còn cho thấy, trong giai đoạn tới lạm phát cao hơn còn dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và việc duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp là điều kiện cần để tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Thực tế một số thời điểm có tỷ lệ lạm phát cao (giai đoạn giữa những năm 80 của thế kỷ XX) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ lạm phát ở mức 3 chữ số đã tác động rất bất lợi đến các biến kinh tế khác như tiết kiệm, đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát trên 20% đã khiến tốc độ tăng trưởng giảm từ 8,48% năm 2007 xuống còn 6,31%. Tương tự, năm 2011, tỷ lệ lạm phát tăng gần 20% (sau khi đã giảm vào một vài năm trước đó) đã làm cho tốc độ tăng trưởng giảm từ 6,78% năm 2010 xuống còn 6,24%.

Trong 5 năm 2008-2012, tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm là 13,4% còn tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 5,98%. Bước sang 5 năm gần đây, 2013-2017, tỷ lệ lạm phát trung bình giảm xuống còn 3,5% và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, đạt 6,22%. Điều này cho thấy, tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định đã có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sự tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế.

Theo Nhóm tác giả, năm 2017, việc tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức 3,53% vừa do việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, vừa do giá dầu và giá nhiên liệu trên thế giới ở mức thấp.

TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cũng chia sẻ nhận định này, đồng thời cho biết thêm, tình trạng lạm phát thấp trong giai đoạn 2012-2017 còn do tốc độ tăng chi tiêu ngân sách và tốc độ tăng cung tiền đã giảm đi nhiều so với giai đoạn 2007-2011. Tốc độ tăng chi NSNN đã giảm từ mức trung bình 21,4% trong giai đoạn 2007-2011 xuống còn 13,2% trong giai đoạn 2012-2016, còn tốc độ tăng cung tiền cũng giảm tương ứng từ mức 32,5% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 16,9% giai đoạn 2011-2016.

Ngoài ra, giai đoạn 2007-2011, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội/GDP trung bình là 35,7% (trong đó năm 2007 đạt gần 40% GDP) nhưng giai đoạn 2012-2016 đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 27%. Điều đáng chú ý là tỷ lệ đầu tư/GDP trong giai đoạn 2012-2016 thấp một cách bền vững. Nguyên nhân là do nền kinh tế không còn nhiều nguồn lực cho đầu tư công, cả nợ công và nợ xấu đều cao là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lạm phát thấp bền vững hiện nay.

Điều gì có thể dẫn đến lạm phát trong năm 2018?

Theo Nhóm tác giả của Viện Kinh tế Việt Nam, có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến lạm phát, đó là do cầu kéo và do tổng cung.

Khi mà thâm hụt ngân sách ở mức lớn, cho dù tăng trưởng cung tiền không đủ lớn để tạo ra lạm phát kỳ vọng thì thị trường cũng sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng, Chính phủ rồi sẽ phải tạo tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách và vì thế lạm phát kỳ vọng sẽ tăng.

Từ đó, Nhóm tác giả đã chỉ ra các nguyên nhân tiềm ẩn có thể tạo ra lạm phát trong năm 2018.

Về phía tổng cầu, năm 2017 bội chi ngân sách giảm xuống còn 3,5% GDP, tăng trưởng tín dụng vừa phải (khoảng 18%). Sang năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát bội chi NSNN ở mức 3,7% GDP, nếu chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 10-15% (tùy vào phản ứng trước các cú sốc có khả năng xảy ra) và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát tốt thì khả năng lạm phát do cầu kéo sẽ rất thấp.

Về phía tổng cung, có 3 nhân tố tiềm năng có thể dẫn đến lạm phát.

Thứ nhất là lạm phát kỳ vọng. Năm 2018, nếu tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo chiều hướng của năm 2017 thì sẽ không tác động mạnh đến kỳ vọng lạm phát. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách có thể tác động mạnh đến lạm phát kỳ vọng cũng đang có xu hướng giảm và được kiểm soát tương đối tốt. Bội chi ngân sách năm 2017 ở mức rất thấp 3,5% GDP và sang năm 2018, mục tiêu này là 3,7%. Như vậy, lạm phát kỳ vọng có thể sẽ không phải là nhân tố chính tác động đến lạm phát của năm 2018.

Thứ hai là lạm phát chi phí đẩy. Sang năm 2018, giá dầu và giá nhiên liệu trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá dầu sẽ không lớn vì nền kinh tế thế giới tăng trưởng chưa cao, nhu cầu về dầu không tăng mạnh và sự đổi mới công nghệ khai thác dầu sẽ làm cho lượng cung dầu ổn định.

Cuối cùng, nhân tố quan trọng nhất có thể tác động đến tỷ lệ lạm phát của năm 2018 (qua chi phí đẩy) là sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế, học phí và giá điện. Như vậy, trong năm 2018, lạm phát tăng hay giảm phần lớn phụ thuộc vào sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản thuộc diện quản lý của Nhà nước.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ dẫn chứng số liệu cho thấy, từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017, lạm phát cơ bản có xu hướng giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục, lạm phát cơ bản sẽ tiệm cận mức 1% vào cuối năm 2018 và xuống dưới 1% vào năm 2019-2020. Vì lạm phát tổng thể có xu hướng xoay quanh lạm phát cơ bản trong dài hạn, nên nhiều khả năng hai thước đo này sẽ hội tụ ở mức 0,5-1% trong những năm tới.

Riêng trong năm 2018, lạm phát cùng kỳ của các tháng sẽ có xu hướng tăng lên trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ giảm xuống vào cuối năm. Lý do khiến lạm phát cùng kỳ tăng trong những tháng đầu năm là lạm phát trong những tháng đầu năm 2017 rất thấp do giá thịt lợn giảm. Nhưng đến năm 2018 điều này không còn nữa. Trong khi đó, các tháng cuối năm 2017, lạm phát cùng kỳ tăng mạnh do việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục (riêng trong 3 tháng 8-10/2017 lạm phát đã tăng 1,9%). Bởi vậy, nếu các tháng cuối năm 2018 Chính phủ không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục thì lạm phát sẽ giảm mạnh. Nếu tính trung bình, lạm phát trong năm 2018 sẽ vào khoảng 2,6%, cách tương đối xa so với mục tiêu 4% được Quốc hội thông qua.

Từ đó, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, đến năm 2020, về mặt định tính chưa có yếu tố nào đủ đột biến để đẩy lạm phát lên cao bởi trong vài năm gần đây, thâm hụt NSNN ổn định ở mức trên 4% GDP còn những năm tới, kế hoạch tài khóa cho thấy tỷ lệ nợ công vẫn sẽ được duy trì ổn định trong khoảng 60-65% GDP. Ngoài ra, tính trung bình trong 3 tháng cuối năm 2017, việc lạm phát cơ bản đã hạ xuống mức dưới 0,1%/tháng cho thấy, áp lực lạm phát từ phía tổng cầu rất thấp.

Lạm phát trong thời gian tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào các cú sốc về cung, như: giá dầu, giá lương thực và giá dịch vụ y tế, giáo dục. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, khi lộ trình điều chỉnh giá về cơ bản đã hoàn thành, khả năng Chính phủ sẽ không điều chỉnh mạnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý bằng biện pháp hành chính. Giá dầu cũng sẽ khó có thể tăng mạnh trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và Ngân hàng trung ương châu Âu có xu hướng giảm dần các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Để có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp...

Từ các phân tích trên, Nhóm tác giả của Viện Kinh tế Việt Nam đã gợi mở một số giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát ở mức thấp, ổn định, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, mẫu thức trong quan hệ giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản. Nếu như trong giai đoạn 2001-2007, hệ số tương quan giữa tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế dương và lớn thì ở giai đoạn sau 2008-2017, hệ số tương quan giữa hai biến số đó là âm và nhỏ.

Điều này cho thấy, giai đoạn sau sẽ không có sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế như ở giai đoạn trước đó nữa. Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ chỉ tạo ra lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Như vậy, việc thực hiện các chính sách đồng bộ để duy trì lạm phát ở mức thấp là điều kiện cần để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thứ hai, nhân tố tiềm năng có thể kích thích lạm phát vượt quá mục tiêu đã đề ra 4% trong năm 2018 chủ yếu phụ thuộc vào công tác điều hành chính sách giá của Chính phủ, cụ thể là việc điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, thuốc, học phí, giá điện. Vấn đề đặc biệt quan trọng là Chính phủ cần tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh để thị trường điều tiết giá cả, hơn là việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản cho sát với giá thị trường.

Thứ ba, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có sự phối hợp tốt để đảm bảo tỷ lệ lạm phát ở mức thấp. Bởi, như lời nhận định trên đây, tỷ lệ lạm phát thấp và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định chính là những điều kiện cần thiết để kinh tế tăng trưởng bền vững.

THÙY ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018
Cùng chuyên mục
Cần duy trì lạm phát thấp để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018