Xây dựng chính sách theo thông lệ quốc tế
Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Mạnh Hải- Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của NIF cho biết, Việt Nam đã ban hành và áp dụng hầu hết các chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong đó có nhiều chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhận định này được đưa ra sau khi các chuyên gia của CIEM và NIF nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: H.Thoan |
Nhiều nước cũng áp dụng chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường. Cụ thể là áp thuế, phí môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm, xả thải các-bon, đồng thời áp phí môi trường đánh vào người sử dụng và thuế, phí môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm.
Tại Việt Nam cũng đã có những chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 đã quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ cao; áp dụng thuế suất 17% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo.
Ngoài ra, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…
Hơn nữa, để hạn chế nguy cơ gây hại đối với môi trường, Việt Nam cũng đã ban hành chính sách thuế bảo vệ môi trường (đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá và các loại túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng… thuộc diện hạn chế sử dụng); thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm gây ô nhiễm; áp dụng thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, nước thải, chất thải rắn, kèm theo đó là các chính sách thuế tài nguyên.
Còn nhiều bất cập cần giải pháp tháo gỡ
Thay mặt các chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu, TS.Nguyễn Mạnh Hải nêu đánh giá, chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm cả chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt… vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường cũng chưa phù hợp với thực tiễn.
TS.Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của NIF trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: H.Thoan |
Tổng thu thuế môi trường của Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ khoảng 0,31% GDP (nguồn OECD, số liệu năm 2014), trong khi các nước như Ấn Độ chiếm khoảng 0,95% GDP, Trung Quốc khoảng 1,33% GDP, Hàn Quốc hơn 2,5% GDP, các nước Nhật Bản, Australia đạt lần lượt 1,48% GDP và 1,91% GDP. Tổng thu thuế môi trường của Việt Nam chỉ cao hơn Malaysia (0,24% GDP) và Philippines (0,21% GDP) trong số các nước khảo sát. |
Liên quan đến chính sách thuế bảo vệ môi trường, cần tăng mức thu đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường. Đối với chính sách phí bảo vệ môi trường, cần tiếp cận theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư tham gia thu gom, xử lý chất thải. Về chính sách thuế tài nguyên, cần hoàn thiện theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý (sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, công tác quản lý, chống thất thu thuế).
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị rất cụ thể về chính sách thuế đối với một số mặt hàng đặc biệt, lĩnh vực đặc thù. Chẳng hạn, về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu, cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng; tiếp tục duy trì và tăng mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này. Về chính sách thuế giá trị gia tăng, cần sửa đổi theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách bằng xe buýt, xe điện.
Đại biểu là Thư ký Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: H.Thoan |
H.THOAN