Cần tư duy mới, cách làm mới để phát triển vùng “rốn” nghèo của cả nước

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng, sáng 15/9, tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

1.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Nút thắt phát triển lớn nhất nằm ở năng lực kết nối giao thông

Theo lãnh đạo các tỉnh trong vùng, những nút thắt phát triển lớn nhất nằm ở năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang và chất lượng nguồn nhân lực của vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình ví các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ", muốn sang Yên Bái nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại Yên Bái vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa hai địa phương. Còn trục dọc, hiện chưa có hướng kết nối cao tốc lên Điện Biên và Lai Châu trong khi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - TP. Sơn La đang gặp vướng mắc do Sơn La chưa được giao làm chủ đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ phản ánh các dự án nâng cấp quốc lộ 4D và 279 chậm nhiều năm do thiếu vốn giải phóng mặt bằng.

Một điểm khó nữa trong đầu tư hạ tầng giao thông là tỷ lệ bố trí vốn đối ứng của địa phương quá cao so với khả năng cân đối nguồn lực của nhiều địa phương.

Hội đồng điều phối vùng TDMNPB được thành lập theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng TDMNPB.

Về chất lượng nguồn nhân lực, vùng TDMNPB có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50% cả nước, nhiều em chỉ học hết lớp 7 đã đi làm nên phần lớn nguồn nhân lực là lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao và có khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng thẳng thắn nêu bất cập về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thể hiện ở chỗ nếu xét tuyển theo hình thức thi, tỷ lệ đỗ thấp hơn nhiều so với hình thức xét học bạ. Vì thế, nếu không nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực thì có đầu tư hạ tầng cũng khó phát triển bền vững được.

Bên cạnh nút thắt về kết nối giao thông và chất lượng nguồn nhân lực, các địa phương nhấn mạnh sự cần thiết phải liên kết về vùng nguyên liệu, đơn cử như Sơn La có 2 nhà máy chế biến nhưng chỉ hoạt động 3 tháng đã hết nguyên liệu; cùng phối hợp trong xúc tiến thương mại theo vùng vì kinh nghiệm thời gian qua cho thấy các địa phương xúc tiến đơn lẻ không mang lại hiệu quả cao.

Các địa phương trong vùng cũng phản ánh tỷ lệ che phủ rừng trong vùng cao nhất cả nước nhưng do cơ chế còn bất cập, trong đó mức khoán bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp, nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Các tỉnh mong Trung ương có cơ chế để bà con sống được và làm giàu được từ rừng giống như bà con sống được và làm giàu được từ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp giải đáp những ý kiến, kiến nghị của địa phương, đồng thời cập nhật tình hình sửa đổi, bổ sung một số chính sách về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mức khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

2.jpg
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Ảnh: Chính phủ

Tập trung kết nối giao thông và tạo sinh kế từ rừng

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn với các tỉnh TDMNPB trước những khó khăn nhiều mặt, nhất là về nguồn lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc bố trí gần 50% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng TD&MNPB thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với khu vực đang là "rốn" nghèo của cả nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện ngân sách Trung ương và cả địa phương có hạn, rất cần có tư duy mới, cách làm mới nhằm tăng cường tính kết nối giữa các địa phương, trước mắt tập trung vào kết nối giao thông và tạo sinh kế từ rừng để người dân sống được bằng rừng và từng bước khá lên từ rừng.

Phó Thủ tướng gợi ý, trong thẩm quyền của mình, các địa phương cùng ngồi lại với nhau tính toán, cân nhắc để điều chỉnh hợp lý quy mô từng công trình, dự án của địa phương mình sao cho tăng tính chất liên kết vùng thay vì làm riêng rẽ và trông chờ nguồn vốn từ Trung ương, từ đó mới sớm có được những sản phẩm cụ thể để tự tin, hào hứng và quyết tâm hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, hoàn thành đúng hạn trước ngày 31/12/2023 theo đúng tinh thần các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; tăng cường phân cấp, phân quyền; tập trung đầu tư “ra tấm ra món”, tránh dàn trải, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn dự báo.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy; tăng cường liên kết về du lịch theo tuyến theo hướng các sản phẩm du lịch phải "đẹp-độc-đáng" (vừa hấp dẫn, độc đáo, đáng để du khách đến và quay trở lại).

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương thực hiện việc xúc tiến thương mại theo quy mô vùng, vừa chú trọng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của mình, nhưng đồng thời cũng lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, mong muốn của các nhà đầu tư; chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế với địa phương các nước láng giềng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước mắt tổng hợp ý kiến của các địa phương, từ đó đề xuất danh mục những việc ưu tiên, khả thi để thực hiện đến cuối năm 2023./.

Cùng chuyên mục
Cần tư duy mới, cách làm mới để phát triển vùng “rốn” nghèo của cả nước