Cập nhật Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng

(BKTO) - Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng (TCNH) cần được xây dựng theo hướng cầm tay chỉ việc, đồng thời phải đảm bảo tính mở, có giá trị sử dụng trong thời gian dài - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.

2.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đánh giá cao nội dung của bộ Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức TCNH. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiều 25/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp thẩm định Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức TCNH cấp độ 1, 2, 3 thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng thẩm định và Ban biên soạn tài liệu.

quang-canh-cuoc-hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức TCNH cấp độ 1 dành cho công chức được phân công kiểm toán lĩnh vực TCNH có từ 1-3 năm kinh nghiệm và các đối tượng khác cần bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán TCNH cấp độ cơ bản. Với chương trình này, học viên được trang bị kiến ​​thức tổng hợp về quy trình kiểm toán các tổ chức TCNH có vốn nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Chương trình cấp độ 1 gồm các chuyên đề: Tổng quan các tổ chức TCNH; Kỹ năng kiểm toán chi tiết tại Ngân hàng Nhà nước; Kỹ năng kiểm toán chi tiết tại ngân hàng thương mại; Kỹ năng kiểm toán chi tiết tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Kỹ năng kiểm toán chi tiết tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Kỹ năng kiểm toán chi tiết tại Công ty bảo hiểm.

ts.-phan-truong-giang-pho-kiem-toan-truong-ktnn-chuyen-nganh-vii-thay-mat-ban-bien-soan-trinh-bay-cac-noi-dung-cua-tai-lieu.jpg
Ông Phan Trường Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII thay mặt Ban Biên soạn trình bày các nội dung của Tài liệu. Ảnh: Nguyễn Ly

Đối với cấp độ 2, đối tượng là công chức được phân công kiểm toán lĩnh vực TCNH có từ 4-8 năm kinh nghiệm và các đối tượng khác cần bổ sung kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán TCNH nâng cao.

Cấu trúc của tài liệu bồi dưỡng gồm các chuyên đề: Kỹ năng phân tích trong kiểm toán các tổ chức TCNH; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp một số nghiệp vụ chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp một số nghiệp vụ chủ yếu của Ngân hàng thương mại; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp tại Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp một số nghiệp vụ chủ yếu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp một số nghiệp vụ chủ yếu của Công ty bảo hiểm.

cac-thanh-vien-hoi-dong-tham-dinh-danh-gia-cao-noi-dung-cua-tai-lieu-sau-khi-duoc-ra-soat-bo-sung.jpg
TS. Lê Thế Sáu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII, Phản biện 1 - gợi ý một số nội dung để Ban biên soạn nghiên cứu, bổ sung vào Tài liệu. Ảnh: Nguyễn Ly

Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức tài TCNH cấp độ 3 dành cho công chức được phân công kiểm toán lĩnh vực TCNH có từ 9 năm kinh nghiệm trở lên và các đối tượng khác cần bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán các lĩnh vực TCNH nâng cao. Với chương trình nâng cao, học viên được trang bị một số kỹ năng khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán, phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực tại các tổ chức TCNH .

Cấu trúc tài liệu bao gồm các chương: Kỹ năng khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán các tổ chức TCNH; Kỹ năng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán các tổ chức TCNH; Kỹ năng kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động của tổ chức TCNH; Kỹ năng phân tích, đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Ban biên soạn, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung tài liệu bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, tránh chồng chéo, lặp lại và có tính năng mở để tạo cơ sở cho công việc hoàn thiện, bổ sung, cập nhật kiến ​​thức trong các giai đoạn thiếp theo. Ngoài ra, tài liệu được cập nhật chính sách, chế độ liên quan đến nội dung giảng dạy.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá Chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ TCNH theo các cấp độ 1, 2, 3. Bên cạnh đó, Ban biên soạn cần nghiên cứu, rà soát một số văn bản pháp luật liên quan; bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến sai sót thường gặp khi kiểm toán, rủi ro kiểm toán; kinh nghiệm kiểm toán và ví dụ minh họa; rà soát các câu hỏi ôn tập và gợi ý nội dung trả lời trong từng bộ tài liệu…

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đề nghị Ban biên soạn tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng thẩm định. TCNH là lĩnh vực khó, vì vậy, tài liệu đào tạo về kiểm toán các tổ chức TCNH cần đảm bảo một bộ khung gồm lý thuyết chung, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và quy trình kiểm toán. Theo từng cấp độ và đối tượng học, Ban biên soạn lưu ý nội dung tài liệu được xây dựng theo hướng cầm tay chỉ việc, đồng thời phải đảm bảo tính mở, có giá trị sử dụng trong thời gian dài.

Hội đồng thẩm định đánh giá tài liệu đạt yêu cầu, hoàn thiện trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, ban hành.

Cùng chuyên mục
Cập nhật Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng